Đề xuất áp thuế chống bán phá giá HRC Trung Quốc: DN tôn mạ, ống thép lo phá sản!

Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng nếu khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ thì họ sẽ mất thị trường nội địa, đối mặt với nguy cơ phá sản, còn người tiêu dùng thêm gánh nặng.

Chỉ còn ít ngày nữa, Bộ Công Thương sẽ công bố quyết định có khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ hay không. Cũng vì vậy, vấn đề này tiếp tục gây tranh luận “nóng” trên nhiều diễn đàn. Trong đó, vấn đề đáng chú ý là người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) chịu tác động ra sao?

Để có thêm thông tin về tác động của chính sách, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với đại diện các DN tôn mạ, ống thép xoay quanh vấn đề này.

- Các báo cáo gần đây cho thấy lượng nhập khẩu HRC vào Việt Nam tăng mạnh. Có thông tin cho rằng việc nhập khẩu ồ ạt, có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng HRC của DN mất vào tay hàng nhập khẩu. Các DN nhìn nhận thế nào về điều này và đâu là nguyên nhân?

Ông Vũ Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen: Nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC vào Việt Nam tăng mạnh là nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Nhu cầu HRC của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 11.525.018 tấn và 11.593.973 tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm.

Ông Vũ Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen

Ông Vũ Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen

Giả định Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất tối đa công suất và chỉ bán HRC nội địa, không xuất khẩu HRC thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam. Tuy nhiên, 2 DN trên tăng lượng xuất khẩu thì việc thiếu hụt HRC càng trầm trọng hơn và sản lượng HRC bán nội địa mới giảm, chứ không phải họ bị mất thị phần do HRC nhập khẩu.

Ngoài ra, 2 DN HRC trong nước cũng đang hưởng lợi khi bán HRC cho các DN tôn mạ và ống thép Việt. Lý do là một số thị trường như Mỹ, Mexico có yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, khiến DN tôn mạ, ống thép phải mua HRC có nguồn gốc Việt Nam để sản xuất hàng sang các thị trường này. Mức giá này cao hơn so với HRC Trung Quốc từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn và không đủ hàng để bán.

Ông Võ Hoàng Vũ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim: Nguồn cung HRC nội địa năm 2022 và năm 2023 đáp ứng được lần lượt là 42% và 29% nhu cầu. Trong khi đó, sản lượng HRC xuất khẩu của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và 2023 tăng, lần lượt là 1.304.198 tấn và 3.405.633 tấn. Tỷ trọng xuất khẩu trên lượng bán hàng năm 2023 tăng lên 50%.

Vì vậy, sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa trong năm 2022 và năm 2023 đã giảm và Việt Nam tất yếu phải nhập khẩu HRC để đáp ứng đủ nhu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Đông Á: Tình trạng cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu thì lượng HRC nhập khẩu tất yếu phải tăng.

Thép cán nóng nhập khẩu tăng vọt bởi cung không đủ cầu

Thép cán nóng nhập khẩu tăng vọt bởi cung không đủ cầu

Điều này hoàn toàn là bình thường vì nhu cầu thép trong năm 2024 tăng so với năm 2023 là điều đã được dự báo tăng từ trước, nhất là trong bối cảnh quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công..., nhu cầu về thép cũng tăng lên.

- Vậy vì sao lượng HRC nhập khẩu tăng không phải từ các nước khác mà từ Trung Quốc? Bên cạnh đó, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc cũng giảm xuống, nhiều ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu của bán phá giá?

Ông Vũ Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen: Hiện nay, các quốc gia khác, ví dụ Ấn Độ ban hành chính sách giảm sản lượng thép xuất khẩu nên lượng HRC từ các quốc gia khác nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh.

Cụ thể, lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 3.948.383 tấn và 2.784.724 tấn, giảm 1.163.659 tấn. Trong khi đó, nguồn cung trong nước không đủ nhu cầu thì các DN tôn mạ và ống thép buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc, khiến lượng HRC nhập khẩu tăng lên.

Chưa kể, HRC do các DN Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý, nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với lượng nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là phù hợp.

Ông Võ Hoàng Vũ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim: Lý do “giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá” đang được viện dẫn để yêu cầu điều tra chống bán phá.

Ông Võ Hoàng Vũ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim

Ông Võ Hoàng Vũ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim

Tôi khẳng định rằng “giá bán giảm” và “bán phá giá” là hai khái niệm rất khác nhau, không thể sử dụng nhầm lẫn dẫn đến sai bản chất của vấn đề.

Giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó 2 yếu tố chính là chi phí sản xuất (nguyên liệu, năng lượng, nhân công, máy móc...) của từng quốc gia và quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm. Giá cả các yếu tố này biến động hàng ngày theo cung cầu thị trường.

Do đó, chi phí sản xuất HRC của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Đông Á: Quan hệ cung cầu HRC trên thế giới thay đổi hàng ngày theo quy luật thị trường. Giá bán HRC của Trung Quốc giảm cũng phù hợp với xu hướng giảm giá HRC của thế giới. Do đó, đây không phải là dấu hiệu bán phá giá và không có cơ sở pháp lý để yêu cầu điều tra.

- Việc có điều tra áp thuế hay không rõ ràng do cơ quan chức năng xác định, tuy nhiên, đang có quan điểm khác nhau về tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước để đệ đơn của Hòa Phát. Các DN có thể chia sẻ thêm quan điểm về vấn đề này? Nếu áp thuế với HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các DN tôn mạ, ống thép?

Ông Vũ Văn Thanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen: Theo Dữ liệu Hải quan, các công ty con do Hòa Phát kiểm soát gần như tuyệt đối (hơn 99,9%) đã nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết tháng 3.2024 với lượng nhập khẩu ngày càng tăng.

Cụ thể, lượng nhập khẩu năm 2022 và 2023 lần lượt là 9.776 tấn và 305.400 tấn, tăng 295.624 tấn, tăng 3.024% so với năm 2022. 3 tháng đầu năm 2024 lượng nhập vẫn tăng 28% so với cùng kỳ 2023.

Theo Luật Quản lý Ngoại Thương cũng như Hiệp định Chống bán phá giá của WTO, tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.

Như vậy, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp hồ sơ yêu cầu điều tra.

Thêm nữa, cũng cần so sánh lượng HRC do các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc và lượng HRC do Hòa Phát bán tại Việt Nam (chứ không phải là so với sản lượng sản xuất). Tỷ lệ của năm 2023 là 19% và 3 tháng đầu năm 2024 là 30%. Đây là tỷ lệ rất cao.

Tiếp theo, cần làm rõ các mác thép HRC do Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc có phải là mẫu mã hạn chế hay không? Thực tế các mác thép HRC mà các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Hòa Phát và các mác thép này rất phổ biến, không phải là các mẫu mã hạn chế khó sản xuất.

Trong thông tin phản hồi trên báo chí, Hòa Phát viện dẫn các hướng dẫn của của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ trong việc thực thi Đạo luật Thuế quan năm 1930 để có thể “lách” được các quy định của WTO và không bị loại khỏi ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều này không thỏa đáng, vì khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề phòng vệ thương mại sẽ tuân thủ tuyệt đối các hiệp định của WTO. Do đó, cần tuân theo các quy định của WTO thay vì luật Mỹ.

Ngoài ra, ngành sản xuất HRC Việt Nam hoàn toàn không bị thiệt hại khi sản lượng bán hàng và sản lượng sản xuất đều tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 – 2023 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 13,55% và 12,97%.

Hiệu suất sử dụng công suất của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 74% và 82%, tỷ lệ tăng trưởng là 11%; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 84%, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Đông Á: Nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thì mặt bằng giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn sẽ tăng lên, dẫn đến nguồn cung HRC từ 2 nước này giảm xuống. Trong khi đó, cung HRC nội địa không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến thiếu cung trầm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Đông Á

Ông Nguyễn Thanh Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tôn Đông Á

Khi đó, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chắc chắn sẽ tăng lên so với trước khi áp thuế. Điều này khiến các DN tôn mạ và ống thép Việt Nam phải mua HRC giá cao, dẫn đến giá thành phẩm tăng lên.

Khi đó, DN tôn mạ, ống thép Việt không thể cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài và việc mất thị trường nội địa là điều tất yếu. Điều này khiến Nhà nước sẽ thất thu nhiều khoản thuế từ các DN tôn mạ và ống thép.

Ông Võ Hoàng Vũ – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim: Không chỉ ảnh hưởng đến DN tôn mạ, ống thép, việc áp thuế còn làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút FDI, bởi khi giá bán các sản phẩm này tăng thì chi phí xây dựng cũng tăng lên tương ứng. Chưa kể, giá sản phẩm cao còn tăng thêm chi phí đầu tư công, thêm gánh nặng cho ngân sách.

Trong khi đó, nếu áp thuế, lợi ích lớn nhất thuộc về Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh, còn người mua sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn vì giá tăng.

Hòa Phát khẳng định đủ tư cách đệ đơn

Theo phía Hòa Phát, tài liệu của WTO nêu ra một số tiêu chí khác để xem xét việc loại bỏ tư cách đứng đơn của nhà sản xuất trong nước có công ty liên kết nhập khẩu hàng hóa bị điều tra.

- Tiêu chí “Tỷ lệ thị phần theo sản lượng sản xuất của nhà sản xuất trong nước”: Trong kỳ điều tra, thị phần của Hòa Phát chiếm 46% tổng sản lượng sản xuất toàn ngành.

- Tiêu chí “Việc loại bỏ tư cách nhà sản xuất trong nước của công ty có làm ảnh hưởng sai lệch tới việc đánh giá thông tin chung của toàn ngành sản xuất”: Hòa Phát chiếm tỷ lệ thị phần 46% toàn ngành và là một trong số hai nhà máy sản xuất thép cán nóng tại Việt Nam. Việc loại bỏ tư cách đứng đơn của Hòa Phát chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới việc đánh giá dữ liệu và tình hình sản xuất kinh doanh của toàn ngành.

- Tiêu chí “Cam kết ưu tiên hoạt động kinh doanh trong dài hạn với tư cách là một nhà sản xuất trong nước so với hoạt động kinh doanh nhập khẩu thương mại”: Tập đoàn Hòa Phát là công ty sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và trong khu vực, đã đầu tư hàng tỉ USD vào 2 Dự án Dung Quất 1 và Dung Quất 2. Ngoài ra, mục đích nhập khẩu của thép cán nóng trong kỳ điều tra đều để phục vụ việc sản xuất, xây dựng chứ không nhằm mục đích thương mại. Do đó, Hòa Phát là một nhà sản xuất trong nước có sự đầu tư nghiêm túc và cam kết dài hạn.

- Tiêu chí “Tỷ lệ giữa lượng hàng hóa nhập khẩu và lượng hàng hóa sản xuất trong kỳ của công ty”: Trong kỳ điều tra, các công ty con thuộc Hòa Phát nhập khẩu 319.686 tấn HRC, tương đương với khoảng 10% của tổng lượng sản xuất của Hòa Phát. Như vậy, tổng lượng nhập khẩu của 6 công ty con trong tập đoàn là không đáng kể so với tổng lượng sản xuất cùng kỳ của Hòa Phát. Các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu lượng HRC này để đưa vào sản xuất tôn, ống và container.

Theo đó, Hòa Phát thỏa mãn toàn bộ các tiêu chí đánh giá của WTO về việc đã và đang là một nhà sản xuất trong nước.

Về vấn đề thiệt hại, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy nhu cầu HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn.

Việc nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng HRC của DN mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán HRC Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023, không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh thiếu công bằng với sản phẩm bán phá giá.

Hiệp hội Thép kiến nghị sớm mở cuộc điều tra

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết hiệp hội ủng hộ lợi ích chính đáng của các DN thành viên, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và xây dựng ngành thép Việt phát triển đồng bộ, khép kín từ thượng nguồn đến hạ nguồn, theo định hướng tăng trưởng xanh.

Do đó, đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cuộn cán nóng và thép tôn mạ; tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo môi trường kinh doanh trong nước cạnh tranh công bằng.

Yêu cầu rà soát tình hình nhập khẩu HRC

Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu HRC thời gian qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/de-xuat-ap-thue-chong-ban-pha-gia-hrc-trung-quoc-dn-ton-ma-ong-thep-lo-pha-san-222030.html