Đề xuất ban hành luật riêng về hộ kinh doanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban ngày 23.3.
Không đưa hộ kinh doanh vào dự luật
Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như phương án của Chính phủ, đồng thời, đề nghị bổ sung các nội dung trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp để có một chương quy định đầy đủ về hộ kinh doanh.
Tại Báo cáo số 73/BC-CP, Chính phủ cho rằng nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo luật không phải là nội dung mới. Luật Doanh nghiệp các năm 1999, 2005 và 2014 đã có 1 khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Do đó, việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật lần này chỉ là bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Loại ý kiến thứ 2 là đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh vì 3 lý do.
Thứ nhất, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ cần phải được điều chỉnh bởi luật, không thể quy định bằng nghị định.
Thứ 2, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Việc quy định hộ kinh doanh vào dự thảo luật sẽ dẫn đến phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Các nội dung từ chương 1 đến chương 8 của dự thảo luật mới quy định đối với loại hình doanh nghiệp mà quy định cho hộ kinh doanh.
Thứ 3 là số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ 2.
Cần làm rõ nhiều nội dung về doanh nghiệp nhà nước
Về doanh nghiệp nhà nước, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc quy định doanh nghiệp nhà nước gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12. Việc quy định tỷ lệ như dự thảo luật quay trở lại quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây. Tại Báo cáo số 73/BC-CP, Chính phủ đề nghị tiếp tục bảo lưu nội dung đã trình.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ thêm một số nội như: Quy định trên tác động thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi luật này có hiệu lực.
Cùng với đó, cần đánh giá tác động toàn diện về cơ chế chính sách, quản trị doanh nghiệp... của quy định trên đối với hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Việc quy định như dự thảo luật nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trên 50% đến dưới 100% có thể tác động thế nào đến tâm lý của các cổ đông khác là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, nhà đầu tư tiềm năng, ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa và môi trường đầu tư kinh doanh.
Đánh giá sự phù hợp giữa dự thảo luật với nội hàm của yếu tố "chi phối" như yêu cầu của Nghị quyết số 12. Quy định của dự thảo luật phải bảo đảm DNNN là doanh nghiệp mà Nhà nước có thể chi phối các vấn đề của doanh nghiệp.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước thấp nhất là 75% thì có quyền chi phối trong mọi quyết định về quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.
Do đó, đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là DNNN là phù hợp. Đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối như yêu cầu của Nghị quyết số 12.