Đề xuất ban hành luật riêng về tổ chức thi hành pháp luật
Đáng lưu ý, có ý kiến nêu đề xuất ban hành luật riêng về tổ chức thi hành pháp luật bởi hiện nay, đây là khâu yếu, khiến luật chậm vào cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cốt lõi của vấn đề nằm ở một hệ thống công vụ chuyên nghiệp chứ không nên ban hành một luật riêng về tổ chức thực thi pháp luật.
Ngày 2-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Tọa đàm chuyên gia về một số nội dung phục vụ xây dựng “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” (dưới đây gọi tắt là Chiến lược).
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia thống nhất cho rằng, hệ thống pháp luật tới đây không thể duy trì tình trạng đồ sộ, nhiều tầng, nhiều nấc như hiện nay, mà phải gọn gàng hơn, rõ ràng hơn. Các chuyên gia cũng thống nhất tiếp cận xây dựng pháp luật theo các lĩnh vực của đời sống xã hội để bảo đảm tính bao quát, toàn diện. Đặc biệt, một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật trong giai đoạn tới là phải bảo đảm tính công khai, minh bạch hơn nữa.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cả tiêu chí về chất và định lượng trong mục tiêu phát triển đất nước của giai đoạn tới đã khác so với giai đoạn trước đây. “Bối cảnh và điều kiện phát triển khác nhau nên việc xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật trong giai đoạn tới phải khác so với giai đoạn trước”, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
“Không phân biệt pháp luật Trung ương hay pháp luật địa phương mà chỉ có pháp luật Việt Nam” - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Ông Phan Trung Lý đề nghị nên tập trung xây dựng các đạo luật, hạn chế pháp lệnh hay nghị quyết liên tịch. Đặc biệt, một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là “tô đậm vai trò chủ thể của nhân dân trong hoạt động lập pháp” thông qua việc lấy ý kiến nhân dân một cách sâu rộng và thực chất.
Đáng lưu ý, có ý kiến nêu đề xuất ban hành luật riêng về tổ chức thi hành pháp luật bởi hiện nay, đây là khâu yếu, khiến luật chậm vào cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cốt lõi của vấn đề nằm ở một hệ thống công vụ chuyên nghiệp chứ không nên ban hành một luật riêng về tổ chức thực thi pháp luật.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều chiều về các nội dung mang tính tổng thể của Chiến lược.
Liên quan đến vấn đề được một số chuyên gia quốc tế đề cập - vai trò của Nhà nước trong hệ thống pháp luật của một quốc gia đang chuyển đổi và một quốc gia phát triển - Chủ tịch Quốc hội nhận định, đây là vấn đề rất khó.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật tiếp tục đóng góp ý kiến, góp phần củng cố nền tảng, cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó, định hình được những nguyên tắc và quan điểm cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật sau năm 2030 đến năm 2045.
Về thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải hiệu quả, công bằng. Trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan hành pháp, đồng thời phải gắn với cải cách tư pháp. Chúng ta nói tổ chức thi hành pháp luật thì gồm rất nhiều việc, từ ban hành văn bản hướng dẫn, phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật… nhưng cuối cùng, để pháp luật được thực thi hiệu quả và công bằng thì phải có một hệ thống tư pháp công bằng, bình đẳng, nghiêm minh, thực sự vì dân.
Cùng với đó, kinh nghiệm của một số nước có mô hình gần gũi với nước ta như Trung Quốc đã tổ chức một hệ thống giám sát thực thi pháp luật nghiêm minh, chuyển từ mô hình phi tập trung sang mô hình tập trung, thành lập Ủy ban giám sát từ Trung ương xuống địa phương, thuộc cơ cấu của cơ quan lập pháp nhưng được xác định như một cơ quan quyền lực thứ tư giám sát toàn bộ việc thực thi pháp luật…
Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.
Đó là Chiến lược lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Đến nay, Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN”.
Chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đã được hoàn thiện, sẽ được Đảng đoàn Quốc hội nghiệm thu vào ngày 3-11.
Hai chuyên đề còn lại, trong đó có chuyên đề “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” đang được tích cực triển khai để nghiệm thu trong thời gian tới.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-xuat-ban-hanh-luat-rieng-ve-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-772619.html