Đề xuất BHYT chi trả chẩn đoán sớm nhiều bệnh
Quỹ BHYT có thể chịu thêm gánh nặng nếu phải chi trả chi phí sàng lọc một số bệnh song hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều
Sáng 8-9, Bộ Y tế tổ chức hội thảo xây dựng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong dự án Luật BHYT (sửa đổi). Dự luật dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5-2024.
Đề xuất sàng lọc 5 nhóm bệnh
Bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết nhằm đồng bộ chính sách giữa Luật BHYT với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực vào năm 2024) cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT. Theo đó, ngoài khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con, khám sàng lọc trước sinh, điều trị dự phòng..., dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đề xuất bổ sung khám sàng lọc, chẩn đoán sớm 5 nhóm bệnh gồm: ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường và viêm gan C.
Theo lãnh đạo Vụ BHYT, đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học và mô hình bệnh tật cần quan tâm. "Đây là những kỹ thuật không khó, y tế cơ sở có thể thực hiện được. Khi người bệnh vào điều trị nội trú do các bệnh ung thư, tim mạch... sẽ gây áp lực chi phí rất lớn cho quỹ BHYT. Trong khi đó, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị ngay từ đầu thì có thể giảm tỉ lệ nhập viện, tỉ lệ tăng nặng" - bà Trang phân tích.
TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế, cho hay nếu đưa bệnh tăng huyết áp vào sàng lọc sớm, chi phí khám chữa bệnh nói chung sẽ tăng trong 4 năm đầu. Bắt đầu từ năm thứ 5, chi phí này mới giảm xuống do đối tượng đích giảm. Tuy nhiên, việc sàng lọc sớm có thể giúp chi phí điều trị giảm từ hơn 9.000 tỉ đồng trong năm đầu xuống còn 195 tỉ đồng trong năm thứ 4 và gần như bằng 0 vào năm thứ 5. Theo tính toán, trong 10 năm, có thể tiết kiệm hơn 12.000 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh này.Đối với bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung - 2 gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu, TS Nguyễn Khánh Phương cho rằng việc phát hiện, điều trị sớm sẽ giúp nâng cao chất lượng sống, giảm chi phí điều trị, gánh nặng kinh tế đối với người bệnh.
Cân nhắc việc cân đối quỹ BHYT
Cả nước hiện có 91,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ gần 92% dân số. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc có 64,2 triệu lượt khám chữa bệnh với tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT là hơn 46.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, tỉ lệ chi phí người dân tự chi trả còn cao, chiếm đến 43% tổng chi tiêu y tế. Việt Nam đang cố gắng phấn đấu giảm tỉ lệ này còn khoảng 39% và mức lý tưởng nhất là 25%-26%.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), đánh giá cao lợi ích khi BHYT chi trả cho việc sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh. Theo ông Phúc, việc này có thể giúp giảm chi phí điều trị từ nguồn quỹ BHYT nhưng cũng có thể làm tăng áp lực lên quỹ. Song, nếu được sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm thì chất lượng cuộc sống của người bệnh và hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều.
Theo thống kê, trong năm 2022, quỹ BHXH chi trả 110.000 tỉ đồng cho khám chữa bệnh bằng BHYT. Ước tính năm 2023, con số này là 120.000 tỉ đồng. Trong đó, chi phí BHYT chi trả cho các bệnh ung thư chiếm khoảng 10%. "Việc cân đối quỹ hiện nay vẫn được bảo đảm nhưng trong tương lai, khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế và mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, phải cân nhắc khả năng cân đối quỹ" - ông Phúc lưu ý thêm.
Một số chuyên gia nhận xét đề xuất mở rộng quyền lợi hưởng BHYT là phù hợp nhưng cần đánh giá kỹ tác động để bảo đảm hiệu quả thực tế, khả năng đáp ứng của quỹ và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT trong phạm vi được hưởng.
Mới đây, tại một hội thảo do Bộ Y tế tổ chức, bộ này cũng đề xuất người tham gia BHYT được chi trả chi phí khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, khám bệnh tại nhà cho người cao tuổi... Ngoài ra, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHYT - nhất là với người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Đề xuất tăng mức đóng BHYT từ năm 2025
Mức đóng BHYT đối với cá nhân hiện nay bằng 4,5% lương cơ sở, tương đương 972.000 đồng/năm. Với hộ gia đình, mức đóng của người thứ 2, 3, 4 bằng lần lượt 70%, 60% và 50% so với người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, mức đóng bằng 40% người thứ nhất, tức 388.800 đồng.
Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đưa ra lộ trình tăng mức đóng BHYT là 5% vào năm 2025; 5,5% vào năm 2027 và đến năm 2029 là 6% để bảo đảm cân đối quỹ. Bên cạnh đó, với hộ gia đình, mức đóng BHYT từ người thứ 2 trở đi sẽ đóng bằng 80% người thứ nhất.
Nhất trí giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm
Ngày 8-9, CLB Cựu đại biểu Quốc hội tổ chức phiên họp góp ý về dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định về 11 nội dung lớn như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; quy định hưởng BHXH một lần...
Cơ bản nhất trí với mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật, các đại biểu Quốc hội nêu rõ việc sửa đổi luật phải bảo đảm các nội dung cải cách theo quy định tại Nghị quyết 28/2018 về cải cách chính sách BHXH.