Đề xuất bỏ hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường: Người trong cuộc lên tiếng
Một số ý kiến nên giảm bớt hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, với cấp huyện và cấp tỉnh, nên thay đổi để hội thi góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.[1]
Sau thời gian thực hiện, một số ý kiến cho rằng nên giảm bớt Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường. Đối với Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, nếu tổ chức nên thay đổi so với hiện hành.
Cô giáo Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu chia sẻ: “Nên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường vì:
Thứ nhất, hội thi này là cơ sở để chọn giáo viên đi thi cấp huyện, cấp tỉnh.
Thứ hai, là cơ hội để giáo viên thể hiện năng lực của bản thân.
Thứ ba, đây là đợt sinh hoạt chuyên môn của cả trường, giúp giáo viên dự giờ, học hỏi phương pháp lẫn nhau.
Thứ tư, theo khảo sát của tôi, giáo viên trường tôi vẫn muốn thể hiện tiết dạy giỏi cấp trường để đồng nghiệp dự giờ và góp ý và được dự giờ học hỏi giáo viên khác”.
Cô giáo Hà Thị Vinh Tâm đang công tác tại Trường Trung học phổ thông Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cho biết: “Theo tôi, hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp đang đi đúng hướng, làm đúng quy trình và quy định như trong văn bản chỉ đạo, được tổ chức nghiêm túc, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng thì luôn luôn tích cực và cần thiết.
Bởi vì khi tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, kể cả hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên phải tham gia hai phần thi: báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường và dạy một tiết thực hành.
Khi báo cáo biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, các thầy cô tham gia cuộc thi phải trăn trở để thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, thiết thực, có hiệu quả cao trong từng giải pháp đưa ra.
Điều đó có nghĩa là thầy cô phải đọc nhiều nguồn tài liệu, học hỏi từ nhiều nơi, nhiều người, thẩm thấu qua chính trải nghiệm của bản thân mới ra được báo cáo chất lượng.
Chưa kể khi viết và trình bày báo cáo, các thầy cô cũng đang được rèn luyện thêm về nhiều kỹ năng quan trọng khác như kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng thuyết trình, ...
Khi thực hiện tiết dạy thực hành, các thầy cô giáo đều phải có sự đầu tư, chuẩn bị công phu, đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn học, chương trình dạy; thiết kế các hoạt động dạy và học hợp lí từ hoạt động khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, thực hành, vận dụng...
Tất cả các khâu vừa phải đảm bảo tính chuẩn chỉnh, logic, khoa học vừa phải hấp dẫn, lí thú cuốn hút, sáng tạo kết hợp linh hoạt các kĩ thuật và phương pháp dạy học mới; tích hợp liên môn; tăng tính vận dụng thực tiễn; thúc đẩy sự tìm tòi khám phá môn học ở học sinh; đúc rút được quy trình học, tư duy từng kiểu loại bài học;…
Bởi vậy, các thầy cô tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường sẽ được tập dượt, có thêm kinh nghiệm và kỹ năng quan trọng cho việc tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Năm nào trường cũng tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi thì sẽ phát huy khả năng sáng tạo, năng lực, tâm huyết của giáo viên trong trường, giúp giáo viên khẳng định bản thân và góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo của trường.
Đây cũng là một đợt sinh hoạt chuyên môn hiệu quả trong nhà trường đồng thời giúp cho đội ngũ giáo viên tự kiểm tra năng lực, có ý thức học hỏi, phấn đấu tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để có nhiều giờ dạy chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường”.
Thầy Cù Huy Cảnh, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phước Tân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng: “Nên tổ chức hội thi cấp trường, nghề nào cũng phải có ghi nhận và được đánh giá ở mức nào đó trong kĩ năng nghề nghiệp mà người lao động tích lũy hay rèn luyện mà thành; sự vinh danh trong nghề là hoàn toàn phải làm.
Tuy nhiên, cách thức tổ chức hội thi, thể lệ hội thi, cách vinh danh nhà giáo, khen thưởng, … cần phải đổi mới, làm sao cho khách quan, tránh chỉ nhìn vào phong trào, thành tích, sát thực tế hơn, đánh giá đúng thực lực của người dự thi sẽ là động lực cốt lõi để lôi cuốn giáo viên tự nguyện tham gia, có như thế hội thi mới có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học”.
Thầy Thanh An, giáo viên trung học cơ sở đang công tác tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nêu quan điểm: “Nên tổ chức hội thi ở cấp trường, vì ở cấp trường thầy cô dạy với nhau nên hiểu rõ điểm mạnh yếu của mỗi người.
Người dự giờ có thể vừa đánh giá qua tiết dạy, vừa đánh giá qua cả quá trình công tác, qua sự tiến bộ năm này so với năm trước sẽ động viên, khuyến khích đồng nghiệp tự trau dồi chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục.
Hội thi cấp trường, do chính giáo viên tự chuẩn bị cho bản thân mình, còn lên cấp trên nữa có thể là cả tổ chuyên môn hỗ trợ, nên có đạt danh hiệu thì đó là công sức tập thể, nên không thể bỏ hội thi cấp trường được”.
Cô giáo Vũ Thị Việt Hoa (áo vàng). Ảnh NVCC
Cô giáo Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Quang Trung, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: “Tôi cũng đã tham khảo ý kiến của một số giáo viên, đều có chung suy nghĩ: không cần thiết phải định kì tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường hàng năm.
Vì các lý do: Tổ chức hội thi hằng năm sẽ tạo áp lực cho giáo viên, tạo nên tính hình thức mà hiệu quả giáo dục không cao. Nếu nhà trường tổ chức không khoa học, dễ gây xáo động ít nhiều tâm lí của chính học sinh.
Việc đánh giá giáo viên dạy giỏi chỉ qua 1 tiết dạy không thể chính xác bằng đánh giá cả quá trình giảng dạy của giáo viên qua cả năm học hoặc vài năm, học bằng chất lượng giáo dục cụ thể mà giáo viên đó đạt được.
Vì vậy, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường nên dành cho chính giáo viên, phụ huynh nhà trường bình bầu, phong tặng, nó sẽ chính xác hơn qua một hội thi.
Theo tôi, nên để nhà trường chủ động tổ chức hội thi khi thấy cần thiết phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá; các cấp không nên đưa tiêu chí tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường vào đánh giá thi đua của nhà trường, cán bộ quản lý nhà trường.
Giáo viên có thể chủ động ghi danh tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, nếu để nhà trường giới thiệu, thì nhà trường dựa trên phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác trong suốt quá trình nhiều năm học tại trường của giáo viên; nhà trường chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên do mình đề cử”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=199454