Đề xuất bỏ quy định chỉ sinh từ 1-2 con: Các chuyên gia lên tiếng
Ngày 6-8, tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với các đối tác đã tổ chức hội thảo 'Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương'.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, hiện nay công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững khi số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023. Đồng thời xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp và chênh lệch về mức sinh giữa các vùng.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao khi tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái. Cùng với đó, già hóa dân số tăng nhanh, chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Dân số và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Đồng thời, bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, các đối tượng.
Làm rõ thêm về đề xuất trên, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, các nội dung liên quan đến việc xử phạt cặp vợ chồng sinh con thứ 3 là quy định đã được áp dụng nhiều năm qua nhưng từng thời kỳ cần có những chính sách khác nhau phù hợp với thực tế và sự phát triển. Với quy định trao quyền quyết định số con của cặp vợ chồng, cá nhân là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân.
Việc không quy định số con cũng sẽ phù hợp với các cam kết chính trị Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương và tác động tốt với dư luận quốc tế. Hơn nữa, nếu quy định để người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số lượng con… thì tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục phần nào.
"Việt Nam đang có xu thế giảm mức sinh thay thế, mặc dù chưa ở mức báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp từ bây giờ", ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, Bộ Y tế đang xin ý kiến, góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để có báo cáo chính thức trình Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cặp vợ chồng, đối tượng có mong muốn sinh con với mục tiêu làm sao để có chất lượng dân số và giống nòi tốt nhất.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con. Bởi thực tế hiện nay dù nới lỏng quy định chỉ sinh từ 1-2 con cũng sẽ có rất ít cặp vợ chồng muốn sinh nhiều hơn 2 con nên không cần quá lo lắng rằng các cặp vợ chồng sẽ sinh quá nhiều con.
Đặc biệt, tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM đã có tham luận phân tích tình hình dân số đáng báo động của các nước và rút ra những bài học cho Việt Nam. Theo GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, tính đến tháng 12-2023, thế giới có 42 nước thu nhập cao. Các nước này có quy luật chung là càng giàu, GDP/người càng tăng thì tổng tỷ suất sinh càng giảm. Trong đó có 38/42 nước có tổng tỷ suất sinh dưới 2 vào năm 2023, 4 nước còn lại có tổng tỷ suất sinh lớn hơn 2, nhưng tổng tỷ suất sinh đều giảm dần liên tục, năm sau thấp hơn năm trước.
Từ kinh nghiệm quốc tế, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu chúng ta không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu.