Đề xuất bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật

Đề xuất bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Chiều 5-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Chính phủ đã thể chế hóa, quy phạm hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với cơ quan trình dự án về việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã và của HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, vừa tập trung một đầu mối xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phản biện xã hội như hiện hành; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và thống nhất với quy định tại Luật Công đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, đối với đề xuất lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, đề nghị cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng, vì UBND quận là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn, nếu không được giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan, tổ chức cấp dưới. “Quan điểm của tôi là nên giữ quy định về văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận”, bà Lê Thị Nga nói.

Về quy định tham vấn chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, do đây là vấn đề mới nên đề nghị nghiên cứu quy định rõ khái niệm, nội dung của “tham vấn chính sách”, trách nhiệm của các cơ quan được tham vấn, thời điểm thực hiện tham vấn, phân biệt rành mạch giữa “tham vấn chính sách” với “lấy ý kiến” trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Đối với quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo luật, nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc xem xét, cho ý kiến, chỉ đạo công tác tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. Ảnh: media.quochoi.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng và rất khó. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần lý giải việc dự án Luật giảm 101 điều so với Luật hiện hành, đồng thời giải trình tác động của việc giảm các quy định đến hiệu lực, hiệu quả của Luật để trình đại biểu Quốc hội; tiếp tục rà soát giải thích từ ngữ, kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình việc bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh đó cần phân loại rõ ràng để bảo đảm đúng hình thức nghị quyết.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ chín.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-bo-sung-nghi-quyet-cua-chinh-phu-la-van-ban-quy-pham-phap-luat-692414.html