Làm rõ khái niệm tham vấn chính sách và hình thức thực hiện

Cho ý kiến về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm tham vấn chính sách, phân biệt rành mạch giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến, việc thực hiện tham vấn chính sách như thế nào...

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chiều 5.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Phân biệt rành mạch giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến

Tờ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày và nêu rõ, bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật của Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa, quy phạm hóa thành các quy định cụ thể trong dự thảo Luật và tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Cụ thể là: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119 - KL/TW ngày 20.1.2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Dự thảo Luật được thiết kế gọn hơn với 8 chương, 72 điều (giảm 101 điều so với luật hiện hành) dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn để bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được trình Quốc hội xem xét thông qua tại cùng Kỳ họp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Về phản biện xã hội và tham vấn chính sách, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, vừa tập trung một đầu mối xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phản biện xã hội như hiện hành; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và thống nhất với quy định tại Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể quyền phản biện xã hội độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về tham vấn chính sách, đa số ý kiến các cơ quan đều tán thành với đề xuất mới này và nhận thấy quy định về tham vấn chính sách giúp các cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới nên đề nghị nghiên cứu quy định rõ khái niệm, nội dung của “tham vấn chính sách”, trách nhiệm của các cơ quan được tham vấn, thời điểm thực hiện tham vấn, phân biệt rành mạch giữa “tham vấn chính sách” với “lấy ý kiến” trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật thể hiện thế nào?

Lưu ý trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật giảm 101 điều so với luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có phụ lục làm rõ giảm điều luật nào, điều luật nào được bổ sung mới. Vì sao phải giảm các điều luật và việc giảm các điều luật có tháo gỡ được vướng mắc trong luật hiện hành hay không.

Đề nghị làm rõ việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật được thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “Bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối trong việc soạn thảo dự án luật”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần tiếp tục làm rõ 3 vấn đề: tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình dự kiến chương trình lập pháp; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo; hoàn thiện cơ chế một luật sửa nhiều luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến quy định về tham vấn chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, theo kinh nghiệm lập pháp quốc tế, “tham vấn chính sách” là quy trình rộng hơn, đa dạng hơn “lấy ý kiến” và diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình hoạch định chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối tượng tham vấn là các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, người dân. Tham vấn chính sách là tham khảo, tư vấn. Mục đích là thu thập thông tin, phản biện, đánh giá tác động, tìm kiếm sự đồng thuận trong tất cả các đối tượng trước khi chính sách được hoạch định cụ thể và được ban hành.

Đối với lấy ý kiến, quy trình diễn ra khi đã có các chính sách cụ thể cho vấn đề cụ thể; đối tượng lấy ý kiến sẽ hẹp hơn, có thể chỉ là cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến chính sách cụ thể. Quá trình này cũng có thể tham vấn thêm kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học”.

Qua những phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm tham vấn chính sách và tham vấn chính sách được thực hiện như thế nào.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến trong quy trình xây dựng chính sách, pháp luật; làm rõ nội hàm của tham vấn chính sách.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với cách thiết kế các quy định của dự thảo Luật về xây dựng chính sách và soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó về cơ bản đã “phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo” và “Chính phủ, cơ quan trình phê duyệt chính sách để làm cơ sở cho việc soạn thảo”.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tán thành việc lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã và của HĐND quận; bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật; thay đổi hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Riêng với đề xuất lược giảm hình thức văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận, đề nghị cân nhắc thêm, vì UBND quận là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành các hoạt động trên địa bàn, nếu không được giao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như thực hiện phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan, tổ chức cấp dưới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành có tham vấn chính sách nhưng cần viết rõ ràng, đầy đủ hơn về tham vấn chính sách, phân biệt giữa tham vấn chính sách và lấy ý kiến.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-ro-khai-niem-tham-van-chinh-sach-va-hinh-thuc-thuc-hien-post403676.html