Đề xuất bổ sung thêm 20.450 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022 để phục hồi kinh tế
Nếu cộng cả số vốn dự kiến bố trí năm 2022 của các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế-xã hội, thì tổng số vốn cần bổ sung năm 2022 là gần 37.300 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp danh mục nhiệm vụ, dự án dự kiến bố trí vốn từ Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/2/2022.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có 2 văn bản và 1 Công điện đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, cập nhật danh mục nhiệm vụ, dự án, mức vốn đầu tư dự kiến bố trí thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho đầu tư phát triển.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương cho danh mục nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo 2 nhóm nhiệm vụ.
Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bổ sung thêm vốn và có khả năng giải ngân ngay trong năm 2022, 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, phát huy hiểu quả đầu tư.
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bố trí vốn cho hỗ trợ giải phóng mặt bằng, dự án quan trọng cấp thiết, có tác động lan tỏa, phù hợp với quy hoạch, có khả năng hoàn thiện nhanh thủ tục đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 từ Chương trình cho nhiệm vụ, dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phải bảo đảm có khả năng giải ngân ngay, giải ngân hết số vốn của cả Kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được giao và số vốn dự kiến được bổ sung thêm.
Trong đó, bố trí vốn bổ sung tập trung để thu hồi đủ số vốn ứng trước còn lại chưa thu hồi của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các dự án đang triển khai thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; bố trí vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án ODA; các dự án khởi công mới có khả năng giải ngân ngay trong năm 2022.
Kết quả, tổng hợp đến hết ngày 17/2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình, đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Cụ thể, có 19 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc Chương trình với tổng số vốn trên 121.800 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, dự kiến vốn bố trí năm 2022 là trên 16.800 tỷ đồng và năm 2023 là gần 105.000 tỷ đồng, số còn lại chưa báo cáo chi tiết danh mục, mức vốn là gần 14.200 tỷ đồng.
Có 46 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn là trên 20.450 tỷ đồng. Nếu cộng thêm cả số vốn dự kiến bố trí năm 2022 của các dự án thuộc Chương trình thì tổng số vốn cần bổ sung năm 2022 là gần 37.300 tỷ đồng.
Có 32 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo không có nhu cầu bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, so với danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Báo cáo 01/BC-CP và Tờ trình số 02/TTr-CP ngày 02/01/2022 về Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, có 1 dự án mới, 16 dự án của 4 bộ đề xuất điều chỉnh tăng/giảm mức vốn so với số vốn Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.
Bên cạnh đó, có 59 dự án của 12 bộ, cơ quan trung ương và địa phương hiệu chỉnh, đính chính tên dự án; gộp 64 dự án đảm bảo an toàn, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước thành 14 dự án; thay thế 3 dự án xử lý sạt lở bằng 3 dự án xử lý sạt lở khác.
Ngoài báo cáo về tình hình phân bổ, dự kiến vốn cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện tại, hầu hết các bộ ngành, địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Nhiều văn bản pháp luật để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình cũng đang được xây dựng.
Chẳng hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt, chỉ định thầu thuộc thẩm quyền Bộ với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp cho một số UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn, gửi lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2022.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xác định 16 địa phương có dự án đường cao tốc thuộc Chương trình đi qua địa bàn, chủ động phối hợp, rà soát nhu cầu phân cấp làm cơ quan chủ quản.
Đến nay, đã có 10/16 địa phương gửi văn bản chính thức đề nghị giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến cao tốc đi qua địa bàn.