Đề xuất bố trí 612 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư dự án luồng sông Sài Gòn
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép dùng ngân sách để chấm dứt hợp đồng dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn trước thời hạn.
Bộ GTVT vừa tiếp tục có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí.
Theo đó, bộ này cho biết hiện nay có bốn dự án BOT sụt giảm doanh thu lớn, phá vỡ phương án tài chính gồm dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610; cầu Thái Hà vượt sông Hồng; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì.
Nguyên nhân là quá trình triển khai các dự án trên, một số quy định trong cam kết BOT đã không được thực hiện đẩy đủ. Chẳng hạn, theo hợp đồng đã ký, nhà đầu tư dự án nâng cấp luồng sông Sài Gòn sau khi hoàn thành thì được thu phí phương tiện đường thủy nội địa thông qua 3 các cảng đường thủy nội địa Bến Súc, An Sơn, Rạch Bắp để thu hồi vốn. Thời gian thu phí khoảng 20 năm 9 tháng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa, không xây dựng cảng Bến Súc, chưa triển khai cảng Rạch Bắp, còn cảng An Sơn mới xây dựng được một phần. Vậy nên, khi dự án BOT hoàn thành không thể tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Với trường hợp này, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đồng thời bố trí vốn ngân sách khoảng 612 tỉ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư và hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.
Phần việc cải tạo luồng sông Sài Gòn còn dang dở, đoạn còn lại từ TP.HCM đến Bình Dương, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất cân đối nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng xin chủ trương triển khai thực hiện
Tương tự, ba dự án BOT còn lại, Bộ GTVT cũng đề xuất bố trí gần 4.200 tỉ đồng hoàn trả cho nhà đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.