Đề xuất Bộ trưởng Công an được cấp, tước giấy phép hành nghề bác sĩ trong ngành
Dự luật lần này quy định các Bộ trưởng Công an có quyền cấp giấy phép hành nghề với các chức danh: Bác sĩ; y sĩ; điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng lâm sàng... trong ngành.
Một trong những nội dung mới trong dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/9 là thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Cần quy định lộ trình
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước gồm 3 Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng và UBND cấp tỉnh.
Cụ thể, tại điều 28, dự thảo quy định, Bộ trưởng Y tế, Công an, Quốc phòng có quyền cấp giấy phép hành nghề với các chức danh: Bác sĩ; y sĩ; điều dưỡng; hộ sinh; kỹ thuật y; dinh dưỡng lâm sàng; cấp cứu viên ngoại viện; tâm lý trị liệu cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ trưởng Bộ Y tế có quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề với người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề với người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền cấp giấy phép, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề với các chức danh chuyên môn (Bác sĩ; Y sĩ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Kỹ thuật y; Dinh dưỡng lâm sàng; Cấp cứu viên ngoại viện; Tâm lý trị liệu; Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền), trừ các trường hợp người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của 3 bộ trên.
So với luật hiện hành, dự thảo luật bổ sung điểm mới là giao quyền của Bộ Công an trong cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề y trong ngành công an.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, một số ý kiến băn khoăn và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành. Nếu giao Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề với đối tượng thuộc thẩm quyền thì “cần quy định lộ trình”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn như định hướng tại Nghị quyết 20 của Trung ương.
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các ý kiến góp ý này là xác đáng và sẽ tiếp tục cùng cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phương án tiếp thu.
Đề nghị làm rõ thẩm quyền của 3 bộ trưởng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần làm rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế với thẩm quyền của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an trong đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề.
“Có phải đầu tiên các Bộ Công an, Quốc phòng xử lý, sau đó không xử lý hoặc xử lý không thỏa đáng thì thẩm quyền Bộ Y tế cao hơn? Chỗ này phải làm rõ vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân, liên quan đến những sai sót chuyên môn trong hoạt động của người hành nghề khám, chữa bệnh”, ông Tùng gợi mở.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn khoản 1, điều 32 dự thảo luật quy định “người hành nghề được đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở nhưng không được trùng thời gian khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Điều này có nghĩa là một bác sĩ có thể hoạt động thường xuyên tại cơ sở của nhà nước nhưng ngoài thời gian phải làm việc ở đó có thể hành nghề ở vài cơ sở, miễn đảm bảo hoạt động.
Ông đặt giả thuyết, một bác sĩ làm việc ở bệnh viện của lực lượng vũ trang nhưng đăng ký hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh khác và sai sót xảy ra ở cơ sở khác này, chứ không phải ở bệnh viện của lực lượng vũ trang.
"Vậy trường hợp này thì thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép là của ai, của Bộ trưởng Bộ Y tế hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật có tính chất "xương sống" của ngành y tế, định hướng công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế.
"Dự án luật được nhân dân, ngành y tế mong đợi. Tuy chúng ta mong ban hành luật sớm nhưng không vội vàng, phải chuẩn bị có chất lượng, chuẩn bị kỹ lưỡng, luật sửa đổi ban hành phải có tuổi thọ, không thể ban hành năm nay rồi năm sau tiếp tục sửa", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chủ động phối hợp với Ủy ban Pháp luật rà soát các luật có liên quan đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với tinh thần cao nhất, tích cực chuẩn bị nội dung phương án như ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 quyết định thông qua và luật phải được triển khai từ ngày 1/1/2024.