Đề xuất bỏ tử hình đối với tội 'Tham ô tài sản và Nhận hối lộ' có phù hợp ?

Theo luật sư, nên bỏ án tử hình với bị cáo tội 'Tham ô tài sản hay Nhận hối lộ', bởi hai hành vi này khi phạm tội người vi phạm ngoài chịu án phạt còn phải khắc phục hậu quả, trong khi Nhà nước luôn ưu tiên việc thu hồi tài sản để tránh thất thoát, lãng phí.

Đề xuất bỏ tử hình với 8 nhóm tội

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2025.

Dự án do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều. So với Bộ luật hiện hành đã giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 6 điều, bỏ 18 điều.

Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh và thay bằng hình phạt "tù chung thân không xét giảm án".

Theo đó, các tội này, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).

Bộ Công an cho rằng, sau hơn 8 năm thi hành Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt, nên bộ luật bộc lộ nhiều vướng mắc. Đặc biệt là các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập, các mức định lượng và loại hình phạt trong khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng. Từ đó dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình gặp khó khăn trên thực tế.

Riêng một số tội như "Tham ô tài sản, Nhận hối lộ", tòa ít khi áp dụng hình phạt với bị cáo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản".

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản".

Theo Điều 40 của dự thảo Bộ luật hình sự, tử hình là hình phạt đặc biệt, chỉ áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy... Không áp dụng hình phạt tử hình với các trường hợp như người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên.

Bộ Công an cũng đề xuất hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 2 năm với người bị kết án đã tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm.

Ngoài ra sẽ không thi hành án tử hình với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người mắc bệnh ung thư, AIDS...

Luật sư Hoàng Trọng Giáp.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp.

Nên bỏ tử hình đối với tội "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ"

Nêu quan điểm với Báo Tiền Phong, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho hay, việc duy trì hình phạt tử hình sẽ bảo đảm nguyên tắc công bằng trong Bộ luật Hình sự, đảm bảo được mục đích răn đe và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo chất lượng cuộc sống và an toàn xã hội.

Hình phạt tử hình góp phần đem lại công lý cho nạn nhân của tội phạm, bảo vệ một cách hiệu quả giá trị tính mạng của con người.

Tuy nhiên, theo xu hướng xã hội, việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình vẫn còn là một vấn đề được pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và quan điểm của nhà làm luật, ở mỗi quốc gia khác nhau có các quy định khác nhau về vấn đề này.

“Nhiều nước tiên tiến cũng đã loại hoàn toàn án phạt tử hình, thay vào đó là án chung thân không được ân xá”, luật sư Giáp nói.

Đối với đề xuất loại bỏ hình phạt tử hình ở hai nhóm “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”, luật sư Giáp bày tỏ sự đồng tình.

Theo luật sư, Nhà nước luôn ưu tiên việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nên đề xuất không áp dụng hình phạt tử hình với người phạm hai nhóm tội như trên là phù hợp, vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo.

“Phần lớn các bị cáo phạm tội có thể là quan chức, chủ doanh nghiệp, người có chức vụ. Khi họ khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại thì không nên tử hình, chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn cao hoặc áp dụng phạt chung thân không ân xá. Trường hợp người phạm tội mà thi hành án tử hình sẽ không bảo đảm được việc thu hồi tài sản”, luật sư Giáp phân tích.

Cũng theo luật sư, tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thay vì tước đoạt mạng sống, chúng ta bắt phạm nhân phải lao động suốt đời để biết thế nào là giá trị của lao động, bù đắp cho những mất mát của người bị hại, làm ra của cải vật chất đóng góp cho xã hội.

Hoàng An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-bo-tu-hinh-doi-voi-toi-tham-o-tai-san-va-nhan-hoi-lo-co-phu-hop-post1730988.tpo