Đề xuất bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế
Bộ Tài chính vừa đề xuất doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp, người dân có thể nhận bồi thường bằng mức lãi suất không quá 10% mỗi năm với số tiền bị chậm hoàn thuế.
Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình sửa đổi Luật Quản lý thuế. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung quy định người nộp thuế được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Cũng tại tờ trình này, Bộ Tài chính đề xuất quy định yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường, khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả trong trường hợp không có thỏa thuận sẽ theo Bộ Luật dân sự, tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tại Bộ Luật dân sự 2015, lãi suất này được xác định bằng 50% mức giới hạn quy định (20%), tức là không quá 10% một năm.
Căn cứ các quy định này, doanh nghiệp, người dân bị chậm hoàn thuế có thể được bồi thường lãi suất 10%/năm.
Trong 7 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế ban hành 10.494 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tương ứng số tiền 76.355 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ 2023.
Trước đó, năm 2023, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị chậm hoàn thuế VAT. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát lại các vướng mắc để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế cho biết một số vướng mắc trong việc hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gỗ nói riêng. Nguyên nhân xuất hiện tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn.
Theo Quy chế giải quyết bồi thường nhà nước do Tổng cục Thuế ban hành năm 2023, cơ quan Thuế phải bồi thường cho người dân, doanh nghiệp trong các trường hợp: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật.
Người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ gửi hồ sơ tới cơ quan thuế gồm: Văn bản yêu cầu bồi thường, giấy tờ chứng minh thân nhân của người bị thiệt hại và tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường.
Trong văn bản yêu cầu bồi thường phải nêu rõ được hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ, thiệt hại và cách tính, yêu cầu bồi thường.
Trong thời gian 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; thủ trưởng cơ quan thuế phải thực hiện quy trình bồi thường.