Đề xuất các quy định đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực

Sáng 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung: Dự án Luật Dữ liệu; Đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).

Kết luận chung về phiên họp, cho biết tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, trong khi thời gian từ nay đến kỳ họp thứ tám còn rất ít.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên tối đa thời gian, công sức, trí tuệ, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện các luật, sửa đổi, bổ sung các quy định, nhằm đưa ra giải pháp mang tính đột phá để cởi trói, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Trong quá trình xây dựng pháp luật phải phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề phát sinh, những nội dung vượt thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng vào trong các dự án luật, pháp lệnh. Trong xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm tính khả thi, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng pháp luật phải thiết kế công cụ tăng cường quản lý hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam, song phải kiến tạo cho sự phát triển và tạo điều kiện huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và có công cụ để xử lý những vi phạm của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, trên quan điểm không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng các luật kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; những nội dung còn nhiều ý kiến khau, còn biến động thì không quy định cụ thể trong dự án luật mà đề xuất giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; tranh thủ tối đa ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các chủ thể liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội trong cả khâu xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.

Hoa Ngân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-cac-quy-dinh-dot-pha-de-thao-go-diem-nghen-khoi-thong-nguon-luc.html