Đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp, không quá 10 ngày phải từ chức
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá 'tín nhiệm thấp' thì xin từ chức.
Sáng 11/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 85 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Đồng thời, bảo đảm tính kế thừa, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong các văn bản về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85 tập trung sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn những điều, khoản chưa phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ.
Theo bà Thanh, Nghị quyết số 85 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước. Điều này dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Do đó, Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm tại Điều 10, Điều 15 và khoản 4 Điều 18 của dự thảo Nghị quyết mới.
Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức.
Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm mà không từ chức thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, phường ở nơi không có Hội đồng nhân dân thì kể từ thời điểm có đề nghị của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Dự thảo Nghị quyết còn có một số điểm mới khác như: Bổ sung quy định về số lượng tối thiểu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự phiên họp lấy phiếu tín nhiệm; quy định về công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm (điểm 6 Điều 1) để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Quy định số 96.
Tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Thanh đã nghe ý kiến góp ý của các thành viên UBTVQH và có báo cáo tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu nêu.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH giao Ban Công tác đại biểu phối hợp các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết để trình UBTVQH bằng văn bản xem xét.
Trong trường hợp cần chỉnh sửa nhiều, Chủ tịch Quốc hội sẽ xem xét, quyết định bố trí họp thêm hoàn thiện hồ sơ để UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Bên cạnh đó, cần làm rõ căn cứ đánh giá tín nhiệm là để thể chế hóa Quy định số 96 phù hợp với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội và Hội đồng nhân dân giao…).
Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc không quy định cụ thể về thời hạn thực hiện cụ thể, có thể thiết kế 2 phương án để Quốc hội thảo luận, nhưng phải thể hiện rõ quan điểm của UBTVQH giữ như phương án nào và vì sao.