Đề xuất cán bộ tư pháp - hộ tịch phường sẽ ký chứng thực

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức hội nghị Thành ủy thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ qui định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Trình bày báo cáo của Thường trực Ban soạn thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, theo Dự thảo, công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận; cán bộ thuộc tổ chức chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở phường thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Với những người hoạt động không chuyên trách ở phường thì số lượng, chức danh, chế độ chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật.

UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, và nhiệm vụ quyền hạn thực hiện theo Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội. UBND phường gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và các chức danh công chức gồm: văn phòng-thống kê, địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường, kế hoán, tài chính, tư pháp hộ tịch, văn hóa xã hội.

Đáng quan tâm, Dự thảo đề xuất biên chế công chức bình quân tại UBND phường là 15 người, UBND TP trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng biên chế của các phường từng quận, quyết định hoặc phân cấp cho UBND quận quyết định cụ thể số lượng công chức từng phường.

 Hà Nội chú trọng làm tốt công tác chứng thực. (Ảnh tư liệu)

Hà Nội chú trọng làm tốt công tác chứng thực. (Ảnh tư liệu)

Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Kể từ ngày 1-7-2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường và công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước 1-7-2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.

Các trường hợp khi được chuyển mà chưa đủ tiêu chuẩn thì trong 24 tháng phải hoàn thiện, đáp ứng quy định; nếu quá thời hạn mà không đáp ứng được thì giải quyết cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế…

Đáng quan tâm, để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiện của công chức và phục vụ người dân được nhanh chóng, Dự thảo Nghị định cho phép Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí với đề xuất này. Theo Thứ trưởng, việc cho phép Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch được trực tiếp ký chứng thực sẽ giúp đảm bảo thực tiễn theo yêu cầu của chính quyền đô thị, khi mà khối lượng các văn bản cần chứng thực ngày càng nhiều.

Từ thực tiễn quản lý ở cơ sở, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành cho rằng, ở cấp phường, nếu công chức tư pháp - hộ tịch mà chỉ có 1 người thì rất bất cập, vì mảng tư pháp - hộ tịch rất nhiều việc, lại đòi hỏi giải quyết thường xuyên, liên tục.

Hơn nữa, Dự thảo Nghị định cho phép Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu chứng thực, do vậy, nên bố trí cán bộ tư pháp - hộ tịch là 1 vị trí việc làm nhưng có 2 người. Từ đó, theo ông Thành, số lượng công chức phường cũng nên là 16 người.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, quy định công chức tư pháp – hộ tịch phường được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường là bước cải cách hành chính, nhằm phục vụ nhân dân được tốt hơn. Thực tế, Phó Chủ tịch UBND phường đi họp suốt ngày, người dân phải đợi dẫn đến bức xúc, kêu ca.

“Bây giờ giao việc này cho cán bộ tư pháp – hộ tịch ký, đóng dấu, sẽ giải quyết công việc cho người dân tiện lợi hơn. Tôi đánh giá rất cao sự ủng hộ của Bộ Nội vụ cho đề nghị này, đây là vấn đề thực tiễn ở Hà Nội rất bức xúc”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nói.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, việc ban hành Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách, vì liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bí thư Vương Đình Huệ cũng mong muốn cơ quan soạn thảo vận dụng tối đa các cơ chế cho Hà Nội mà không trái với Nghị quyết 97/2019/QH14.

Trong đó, cần quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng áp dụng; về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của UBND cấp phường trước HĐND cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền...

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/de-xuat-can-bo-tu-phap-ho-tich-phuong-se-ky-chung-thuc-218366.html