Đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh có thời hạn

Đó là một trong những nội dung được đề xuất sửa đổi trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, thay vì việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh suốt đời như hiện nay.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (KCB) là biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo. Trong thời gian qua, việc cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện dựa trên các cơ sở quy định pháp luật gồm: Luật khám bệnh, chữa bệnh (KB, CB) số 40/2009/QH12 ngày 23-11-2009; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27-9-2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KB, CB; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.

Sau chín năm có hiệu lực, Luật KB, CB đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế. Một trong những nội dung quan trọng mà Luật KB, CB sửa đổi tới đây tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ y tế hành nghề KCB, chính là đổi mới toàn diện việc kiểm soát chất lượng của người hành nghề thông qua việc đổi mới hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề KCB.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời. “Theo thống kê, chỉ có 3-4 nước cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời, còn hầu hết các nước đã cấp phép thì thường cấp phép có thời hạn. Tại các nước, giấy phép hành nghề thường có thời hạn là một năm, hai năm hoặc ba năm”, ông Quang cho hay.

Việc không quy định thời hạn dẫn đến việc khó giám sát được người hành nghề có còn đủ điều kiện hành nghề sau khi đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Do đó, yêu cầu có thời hạn trong chứng chỉ đòi hỏi người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đồng thời giữ được y đức, tránh để xảy ra sai sót về mặt chuyên môn.

Cũng theo ông Quang, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề của Việt Nam hiện nay đang khác so với quốc tế là Việt Nam cấp phép hoàn toàn dựa trên hồ sơ. Người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp.

Như vậy, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay theo quy định của Luật KB, CB chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở KCB mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Điều này chưa bảo đảm được tính khách quan và bảo đảm được chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực KCB, các văn bằng chứng chỉ.

“Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề KCB”, ông Quang nói.

Do đó, Luật KB, CB sửa đổi sẽ đề xuất tổ chức kỳ thi cấp quốc gia đối với người tốt nghiệp các trường học cả về lý thuyết và thực hành. Nếu người hành nghề KCB trải qua được kỳ thi này mới đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bên cạnh đó, theo Luật KB, CB hiện hành, các quy định về người xin cấp chứng chỉ hành nghề thì chưa bao quát hết các chức danh chuyên môn tham gia trong quy trình KCB. Hiện nay một số chức danh đã làm trong cơ sở KCB nhưng chưa được cấp phép là cử nhân tâm lý, cử nhân tâm lý lâm sàng, cử nhân xạ trị, thư ký y khoa, nhân viên y tế học đường, cử nhân dinh dưỡng, kỹ sư sinh học, kỹ sư hóa học. Trong thời gian tới, dự kiến có thêm chức danh chuyên môn như cử nhân khúc xạ, chỉnh quang viên, kỹ thuật viên khúc xạ nên Luật cũng cần mở rộng bổ sung quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho các nhóm đối tượng này.

“Lương y là một trong những đối tượng được Luật quy đinh hành nghề phải có chứng chỉ. Tuy nhiên, điều kiện công nhận lương y cũng còn chưa rõ ràng.. Cô đỡ thôn bản, nhân viên cấp cứu ngoại viện cũng có can thiệp trực tiếp đến người bệnh cũng cần xem xét để cấp phép. Riêng với chức danh nhân viên y tế thôn bản, một số ý kiến của các cơ quan quản lý đề xuất nên cấp chứng chỉ hành nghề”, ông Quang cho hay.

Cùng với việc đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề KCB có thời hạn, tới đây, Luật KB, CB sửa đổi cũng sẽ đưa ra đề xuất về việc bỏ quy định "cấp giấy phép hoạt động không có thời hạn đối với cơ sở KCB" được quy định tại Điều 44 trong Luật hiện hành. Quy định này không phù hợp với những thay đổi thường xuyên, liên tục của cơ sở KCB. Ở các nước khác giấy phép hoạt động của cơ sở KCB thường có thời hạn 5 năm. Nhưng với bối cảnh quản lý nhà nước của Việt Nam, các ý kiến đề nghị, trong giai đoạn hiện nay giấy phép được cấp sau 10 năm cần thẩm định và cấp lại.

LAM NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/40884102-de-xuat-cap-chung-chi-hanh-nghe-kham-chua-benh-co-thoi-han.html