Đề xuất cấp thẻ hành nghề cho xe ôm là nằm ngoài quy định của luật?

Những nội dung xoay quanh vấn đề thẻ hành nghề đối với xe ôm nhiều ngày nay là chủ đề bàn luận của ông Nguyễn Văn Long (50 tuổi, quê ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và các đồng nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Long hiện là lái xe ôm công nghệ của hãng Grab.

 Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, việc yêu cầu xe ôm phải có thẻ hành nghề là không cần thiết. Ảnh: Nguyễn Hải Phong

Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, việc yêu cầu xe ôm phải có thẻ hành nghề là không cần thiết. Ảnh: Nguyễn Hải Phong

Lo ngại phát sinh thủ tục gây phiền hà

Mặc dù chính quyền Thành phố Hà Nội chưa có thống kê chính thức nhưng có thể thấy, số lượng xe ôm hành nghề trên địa bàn khá lớn. Ngoài lực lượng xe ôm truyền thống, thị trường xe hai bánh chở khách tại Thủ đô còn có sự góp mặt của các hãng xe ôm công nghệ.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, mới đây, UBND Hà Nội triển khai lấy ý kiến của người dân về Dự thảo quyết định việc sử dụng xe môtô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý của dự thảo này là đề xuất người hành nghề chở khách hay hàng hóa bằng mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ sẽ phải đăng ký với phường, xã để được cấp thẻ hoạt động. Thẻ này sẽ do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên chính quyền Thành phố Hà Nội đưa ra đề xuất này. Vào cuối năm 2019, tại Dự thảo quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Giao thông - Vận tải xây dựng cũng có nội dung:

"Người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái". Đề xuất này sau đó không được áp dụng vào thực tế.

Hành nghề xe ôm nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Long (50 tuổi, quê ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, kể từ thời điểm chính thức vào nghề, ông đã phải đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân với công ty, trong đó có ngày, tháng, năm sinh; quê quán, biển số xe…

Vậy nên, theo ông Long, việc có thêm 1 tấm thẻ hành nghề với những người làm công việc xe ôm như ông là không cần thiết.

"Việc này có thể phát sinh nhiều thủ tục gây phiền hà" là lo lắng của anh Đinh Văn Hồng (35 tuổi, quê ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Anh Hồng đang làm nhân viên bốc xếp hàng hóa cho một đơn vị vận tải.

Ba năm nay, cứ sau giờ làm việc, anh Hồng lại "xách" xe máy ra chở vài cuốc khách trong khung giờ từ 18h30 phút đến 22h hàng ngày để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Điều khiến anh Hồng băn khoăn là nếu đề xuất trong Dự thảo nêu trên được áp dụng thì những người chạy xe ôm bán thời gian như anh có cần phải làm thủ tục để được cấp thẻ hành nghề hay không?

Chính quyền thành phố Hà Nội lại tiếp tục đề xuất việc xe ôm phải có thẻ hành nghề. Ảnh: Tuấn Đức

Chính quyền thành phố Hà Nội lại tiếp tục đề xuất việc xe ôm phải có thẻ hành nghề. Ảnh: Tuấn Đức

Liệu có "vênh" với Luật Giao thông đường bộ?

Chia sẻ thêm về mục tiêu của việc cấp thẻ hành nghề đối với xe ôm, đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội cho biết, khi xe ôm có thẻ hành nghề, có sự xác nhận của chính quyền địa phương sẽ thì được ưu tiên vị trí đón trả khách, thay vì hoạt động tùy tiện như hiện nay.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM), cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, các giấy tờ mà người điều khiển xe máy buộc phải cầm theo khi tham gia giao thông là bằng lái, giấy đăng ký xe, bảo hiểm.

Trong khi đó, nghề lái xe ôm hay chở hàng cũng giống như người tham gia giao thông thông thường. Việc yêu cầu cấp thêm thẻ hành nghề đối với xe ôm không nằm trong quy định của pháp luật. "Ngoài ra, nếu thủ tục cấp thẻ gây mất thời gian, phiền hà còn dễ phát sinh tiêu cực trong việc xác nhận và đóng dấu thẻ", luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ lo ngại.

Ở góc độ của người làm vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam, cho rằng, việc quản lý bằng thẻ hành nghề phải đồng bộ với đăng ký kinh doanh. Đăng ký kinh doanh bằng ngành nghề mới có cơ sở để cơ quan chức năng quản lý việc cấp giấy phép hành nghề.

"Nhưng thực tế, các loại hình vận tải như xe ôm đang vận hành dưới dạng kinh tế chia sẻ, thời gian nhàn rỗi người ta chạy thêm để có thêm thu nhập. Các quy định pháp luật về kinh doanh hiện hành cũng chưa bắt buộc hoạt động buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ phải đăng ký kinh doanh.

Do đó, tôi cho rằng, Hà Nội cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng yêu cầu cấp thẻ hành nghề đối với những người làm nghề xe ôm, chở hàng để tránh tạo thêm những rào cản không cần thiết", ông Quyền nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng việc yêu cầu xe ôm phải có thẻ hành nghề là điều không cần thiết. Việc này có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện có 5,2 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10% - 15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động).

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-cap-the-hanh-nghe-cho-xe-om-la-nam-ngoai-quy-dinh-cua-luat-20241218165355359.htm