Đề xuất chặn lục bình đổ ra sông Sài Gòn
Lục bình từ các nhánh sông, kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mặn mà còn cản trở giao thông đường thủy.
Ngày 22/3, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND TP đề xuất về việc nghiên cứu ngăn lục bình từ các nhánh sông, kênh rạch đổ ra sông Sài Gòn.
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, tình trạng lục bình trên sông Sài Gòn và các nhánh sông, kênh rạch ở thành phố đang phát triển dày đặc, ảnh hưởng tàu thuyền đi lại. Thậm chí, cả đoạn qua khu vực nội thành, làm dòng chảy bị thu hẹp và ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông Vận tải xin ý kiến của UBND TP để sở phối hợp các bên liên quan cùng 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương - nơi sông Sài Gòn cùng chảy qua lên phương án cụ thể.
Theo Sở GTVT ở sông Sài Gòn hiện lục bình từ các nhánh sông, kênh, rạch phía thượng nguồn đổ ra rồi theo dòng nước về hạ nguồn với khối lượng lớn. Phần lớn lục bình đổ ra sông Sài Gòn từ các tuyến rạch Láng The - Bến Mương, kênh Địa Phận, Thầy Cai (huyện Củ Chi); Rạch Tra, sông Vàm Thuật - Bến Cát - Trường Đai - Tham Lương - rạch Nước Lên (quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn)... Sở GTVT cho rằng cần vớt loại cây này ở phía thượng nguồn, để ngăn dồn về hạ nguồn sông Sài Gòn.
Phương pháp đang áp dụng ở một số tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé... bị cho thủ công, khó hiệu quả với bề rộng sông Sài Gòn. So với máy vớt rác đang được thành phố thuê làm trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương, Sở GTVT cho rằng sẽ thích hợp hơn khi áp dụng.
Sông Sài Gòn dài hơn 250km, trong đó qua TP khoảng 80km, rộng khoảng 225m đến gần 400m. Sông đổ ra biển bằng hai ngả chính là sông Soài Rạp và Lòng Tàu. Đây là tuyến đường thủy nội địa quốc gia, ngoài phục vụ tàu thuyền đi lại giao thương hàng hóa, hành khách, sông Sài Gòn là lợi thế phát triển du lịch đường thủy tại TP cùng các tỉnh lân cận.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, thành phố có khoảng 3.079km kênh rạch, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhưng hiện có hơn 200km kênh rạch bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn dòng chảy, làm gia tăng ô nhiễm, với nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt có 66/181 tuyến sông, kênh, rạch nhiễm lục bình nghiêm trọng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, ô nhiễm nặng rất dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là bệnh sốt xuất huyết.