Đề xuất chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện: Hành lang pháp lý cho sự minh bạch
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Với nhiều quy định cụ thể, Dự thảo đã hướng dẫn chi tiết việc thực hiện công tác kế toán đối với các hoạt động xã hội, từ thiện của tổ chức, đơn vị, cá nhân theo quy định của pháp luật. Dù muộn màng nhưng những quy định về chế độ kế toán cho hoạt động xã hội, từ thiện của cá nhân khi được áp dụng sẽ chấm dứt sự thiếu minh bạch, tùy hứng trong hoạt động từ thiện vốn gây điều tiếng quá nhiều trong thời gian qua.
Cá nhân kêu gọi, quyên góp tiền từ thiện phải công khai số liệu
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản tiếp nhận và sử dụng cho mục đích xã hội từ thiện.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Dự thảo thông tư nêu rõ về nguyên tắc kế toán đối với hoạt động xã hội, từ thiện, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động này đều phải mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định của thông tư này.
Đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện không tổ chức bộ máy kế toán độc lập cho hoạt động xã hội từ thiện thì phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị.
“Đơn vị phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích. Hằng năm phải lập báo cáo cho hoạt động xã hội, từ thiện theo quy định, thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính của đơn vị minh bạch và rõ ràng” - dự thảo thông tư nêu rõ.
Đáng chú ý, dự thảo thông tư cũng quy định việc cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản tiếp nhận và sử dụng cho mục đích xã hội từ thiện, lập báo cáo sau khi kết thúc đợt vận động theo quy định, đồng thời thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác kế toán của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kế toán.
Bịt kẽ hở từ thiện
Trước đó, vào cuối tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93 với hàng loạt điểm mới, có hiệu lực từ ngày 11/12 tới đây, sẽ vá “lỗ hổng” pháp lý, xóa bỏ nghi ngại khi quyên góp từ thiện và tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động đóng góp tự nguyện... Nghị định 93 đã đưa ra một số quy định quan trọng như: Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động; Cá nhân phải phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; Cá nhân phải công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông...
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ông Vũ Đức Hội - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho hay, nguồn đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vừa giảm bớt khó khăn do thiên tai, sự cố, vừa thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ khó khăn của người dân.
Dù vậy, thời gian qua, câu chuyện nhiều nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh… “để quên” số tiền quyên góp trong tài khoản, hay liên tục bị “réo tên” yêu cầu sao kê tài khoản làm từ thiện khiến dư luận và các nhà hảo tâm có nhiều bức xúc.
Theo ông Hội, từ năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nhưng do ban hành cách đây hơn 13 năm, Nghị định số 64 cần sửa đổi, bổ sung phù hợp một số luật có liên quan đến hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh được ban hành như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật phòng, chống thiên tai, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Thú y...
Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 64/2008/NĐ-CP phát sinh một số bất cập. Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh Nghị định số 64 chưa bao quát hết các đối tượng, chưa điều chỉnh đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Thứ hai, nội dung chi hỗ trợ còn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa bao quát hết nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Thứ ba, thời gian để tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố còn ngắn, chưa phù hợp.
Do đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu đặt ra khi xây dựng Nghị định số 93 để quy định thống nhất việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện; tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối.
Ngoài ra, để đảm bảo công tác vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, việc vận động, tiếp nhận và phân phối đảm bảo công khai, minh bạch.
Đáng chú ý, hàng loạt điểm mới tại Nghị định số 93 so với Nghị định cũ nhằm vận động tối đa nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Nghị định số 93 bổ sung thêm quy định về khắc phục khó khăn do dịch bệnh từ nguồn đóng góp tự nguyện, bao gồm các bệnh truyền nhiễm ở người quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh động vật quy định tại Luật Thú y, dịch hại thực vật quy định tại Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Về đối tượng áp dụng, bên cạnh các nhóm đối tượng được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh sự cố đã được quy định trước đây như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ từ thiện, Nghị định số 93 bổ sung thêm một số đơn vị.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai trong tình huống khẩn cấp về thiên tai có thể kêu gọi đóng góp tự nguyện từ quốc tế; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh, cấp huyện; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có tư cách pháp nhân và cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc “lùm xùm” về kêu gọi tiền từ thiện của giới nghệ sĩ, trong đó có một số nghệ sĩ đã kêu gọi, quyên góp được hàng trăm tỷ đồng trong đợt lũ lụt tại miền Trung năm 2020.
Sau đó, dư luận đặt ra các vấn đề về công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, phân phối số tiền từ thiện này. Trước phản ứng của dư luận, một số nghệ sĩ, cá nhân làm từ thiện đã thực hiện sao kê tài khoản, công khai trên các trang facebook cá nhân.