Đề xuất chính sách cho nghệ sĩ: Sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước
Đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng... được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng đề cập trong báo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, đó là sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước với người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là trong biểu diễn xiếc, múa ballet...
Theo thống kê của Hội Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam năm 2023, tần suất tai nạn lao động trong một năm của các nghệ sĩ xiếc lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường. Hầu hết nghệ sĩ múa ballet bị viêm khớp, thoái hóa đốt sống cổ, còn các nghệ sĩ múa rối nước phải ngâm mình dưới dòng nước hàng chục năm trời để cống hiến... là những nỗi cơ cực, vất vả khi gắn bó với các bộ môn nghệ thuật.
Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - cho biết đề xuất của Bộ VHTTDL cho thấy sự chia sẻ, quan tâm kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước với người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Ở bộ môn múa ballet, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, nhiều nghệ sĩ muốn tiếp tục làm việc, theo đuổi đam mê sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao nhưng chưa có chính sách tạo điều kiện. Gắn bó với sân khấu cả tuổi trẻ, nhiều diễn viên múa bỡ ngỡ khi tiếp xúc với nền kinh tế thị trường, chật vật tìm việc mưu sinh.
"Tôi nghĩ, nghệ sĩ phải đến đường cùng mới chọn cách về hưu, vì trong tâm khảm họ luôn khao khát được cống hiến. Nhiều nghệ sĩ ballet hết tuổi nghề bỡ ngỡ với nền kinh tế thị trường, khó tìm được công việc thay thế. Sau mười mấy năm cống hiến, nghệ sĩ phải tự thân vận động, bươn chải, tự tìm việc, tự học đại học hoặc thạc sĩ", biên đạo Tuyết Minh nói.
Dù vậy, biên đạo Tuyết Minh chỉ ra rằng, nhiều nghệ sĩ không có điều kiện kinh tế, nghệ sĩ ở tỉnh lẻ, cơ hội việc làm hay học tập của họ sau khi hết tuổi nghề lại càng hạn chế.
Chưa kể, diễn viên múa ballet, diễn viên xiếc dễ bị chấn thương, sau thời gian dài biểu diễn và tập luyện, họ thường bị viêm khớp, thấp khớp gối, lưng, thoái hóa đốt sống cổ.
Vì vậy, không ít diễn viên sau khi hết thời đỉnh cao phải bán hàng online hoặc đi làm nhân viên phục vụ, hay học nghề để làm văn phòng. Họ không có định hướng thì khi nghỉ hưu, sức khỏe đi xuống sẽ rất thiệt thòi.
Ngoài ra, mức lương của các các diễn viên ballet khá thấp. Nếu nhận mức lương 5 triệu đồng, khi về hưu chỉ còn khoảng 2 triệu rưỡi. Còn nếu lương 3 triệu đồng khi nghỉ hưu chỉ được mấy trăm nghìn/tháng, không thể đảm bảo mức sống cơ bản.
Đồng quan điểm, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, khi hết tuổi nghề, diễn viên xiếc khó khăn trong việc tìm công việc mới, chưa kể sức khỏe đi xuống, chấn thương dai dẳng. Không ít nghệ sĩ từ bỏ công việc ở các cơ quan Nhà nước để làm việc cho những đơn vị tư nhân để có mức lương cao hơn, gây ra tình trạng "chảy máu chất xám" trong ngành xiếc.
"Bài toán nan giải là những nghệ sĩ hết tuổi nghề không diễn được nữa nhưng tuổi nghỉ hưu lại chưa tới. Cơ quan phân công họ làm những việc không dùng đến sức quá nhiều, không phải biểu diễn như làm bảo vệ, làm phục trang… nhưng số lượng ấy không nhiều, không phải lúc nào cũng có vị trí để thay thế. Cả chặng đường họ làm nghề, giờ kêu gọi diễn viên đi học, đi làm nghề khác cũng bất hợp lý. Họ phải có kinh phí, mà cơ quan thì không có. Thế nên, có tình trạng tồn đọng một lượng lớn các nghệ sĩ có sức khỏe nhưng không lên sân khấu biểu diễn được nữa. Đó là sự lãng phí nguồn nhân lực", NSND Tống Toàn Thắng nói.
Tập luyện vất vả, chế độ đãi ngộ thấp là thực tiễn của ngành xiếc. Chưa kể, đã có những nghệ sĩ vì tai nạn nghề nghiệp mà phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, rất nhiều nghệ sĩ chỉ gần 30 tuổi là phải rời sân khấu tròn vì những bệnh về xương khớp.
Là một nghệ sĩ xiếc, NSND Tống Toàn Thắng thấu hiểu những nỗi khổ cực, vất vả của đồng nghiệp. "Thực ra nhiều nghệ sĩ có dáng vẻ bên ngoài trẻ nhưng do hoạt động từ bé, cường độ hoạt động cao nên xương khớp của họ đã vượt quá độ tuổi từ lâu rồi. Những người 20 tuổi nhưng có thể xương khớp đã như người ở độ tuổi 30. Niềm vui với người nghệ sĩ là được đứng trên sân khấu biểu diễn. Nhiều người quá tuổi nghề họ vẫn biểu diễn vì đam mê. Nhưng nghệ sĩ chưa nhận được những đãi ngộ xứng đáng, hợp lý so với sự vất vả, công sức mà họ bỏ ra"- NSND Tống Toàn Thắng cho biết.
Từ nhiều năm nay, các đơn vị nghệ thuật, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã lên tiếng về những bất cập trong chính sách đãi ngộ đối với diễn viên, nghệ sĩ ngành xiếc và nghệ thuật truyền thống. Nếu không có những thay đổi thì chỉ một vài năm tới, nguồn nhân lực trong ngành này sẽ thiếu trầm trọng.
NSND Tống Toàn Thắng cho biết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng do những năm gần đây số lượng học sinh đăng ký học Xiếc rất ít. Một phần cũng do chế độ lương còn hạn chế cộng thêm việc tập luyện rất vất vả và nguy hiểm.
Tương tự, đối với nghệ thuật Cải lương, theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: "Hiện nay chỉ tiêu biên chế được giao ngày càng giảm (biên chế giao năm 2018 viên chức: 86 chỉ tiêu; năm 2023: 74 chỉ tiêu). Thêm nữa, sự bất hợp lý về độ tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu do số lượng nghệ sĩ "hết tuổi nghề" nhưng chưa đến tuổi nghỉ chế độ đã lấp đầy chỉ tiêu biên chế, không còn chỗ cho nhân lực trẻ".
Đề xuất nêu trên của Bộ VHTTDL là chính đáng, phù hợp thực tiễn và được đông đảo nghệ sĩ ủng hộ. Tuy nhiên, ngoài chính sách, cơ chế từ các cơ quan quản lý, nghệ sĩ cũng cần phát huy hơn nữa tính tự chủ sáng tạo trong biểu diễn văn hóa nghệ thuật; để vừa phục vụ công chúng tốt hơn; đồng thời giúp đời ngày càng được nâng cao./.