Đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn

Tại dự thảo Luật Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động thuộc khu vực nông thôn.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm

Theo dự thảo, căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được hưởng các chế độ sau đây: Hỗ trợ đạo tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định.

Dự thảo nêu rõ, người lao động ở khu vực nông thôn đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn

Theo dự thảo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động sau:

1- Vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định;

2- Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm;

3- Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Cụ thể:

Đối tượng vay vốn

Dự thảo nêu rõ, đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; người lao động.

Đối tượng quy định trên thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn: (*)

a- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;

b- Người lao động thuộc hộ nghèo;

c- Người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

d- Người khuyết tật.

Đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định các đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn ngoài các đối tượng (*).

Điều kiện vay vốn

Theo dự thảo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm khi có đủ các điều kiện sau:

1- Có phương án sử dụng vốn vay khả thi tại địa phương; phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm;

2- Có bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật.

Người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm khi có đủ các điều kiện sau:

1- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2- Có phương án sử dụng vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng thêm việc làm khác tại địa phương.

Chính phủ quy định mức vay, thời hạn, lãi suất cho vay và điều kiện bảo đảm tiền vay.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-chinh-sach-ho-tro-chuyen-dich-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-119240327131926566.htm