Đề xuất chính sách, pháp luật phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhà ở vừa túi tiền đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. (Ảnh: HNV)
Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai đề tài khoa học “Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật” nhằm góp phần nhận diện rõ những rào cản đang tồn tại cũng như hướng tới việc xây dựng các giải pháp, chính sách mang tính thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thiết yếu này.
Tiến sĩ, Luật sư Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, tình trạng khan hiếm nhà ở vừa túi tiền đang diễn ra tại hầu hết các nền kinh tế lớn do nguồn cung thấp hơn nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu từ người mua nhà lần đầu. Giá mua và thuê nhà tăng nhanh, thậm chí vượt 4-5% mỗi năm, đang đẩy gánh nặng tài chính lên tầng lớp trung lưu và lao động. Thế hệ Millennials và Gen Z phải chi trả tỷ lệ cao hơn thu nhập cho nhà ở, làm giảm khả năng tích lũy tài sản và gia tăng mức độ bất mãn trong xã hội.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh. (Ảnh: VNREA)
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho rằng, việc nghiên cứu một cách khoa học về “Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật” là “điểm rơi” phù hợp với yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và chuyển mình theo hướng bền vững, toàn diện.
Bà Tống Thị Hạnh cho biết, Bộ Xây dựng đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 201 về phát triển nhà ở xã hội, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc triển khai các chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, có quy định thành lập Quỹ nhà ở Quốc gia, với mục đích tập trung vào phát triển nhà ở cho thuê, giúp những người có nhu cầu về nhà ở nhưng không có chỗ ở ổn định. Việc tập trung vào phát triển nhà ở xã hội cho thuê cũng hạn chế phần nào tình trạng đầu cơ.

Nhà ở xã hội đang được tích cực đẩy mạnh phát triển ở nước ta. (Ảnh: VNREA)
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, một trong những điểm đầu tiên mà nhóm nghiên cứu cần làm rõ là khái niệm “nhà ở vừa túi tiền” (affordable housing) đang được hiểu và sử dụng như thế nào trên thế giới.
Theo ông, đây là một thuật ngữ có tính đặc thù, thường được định nghĩa dựa trên tỷ lệ giữa chi phí nhà ở và thu nhập của người dân. Ngoài ra, cũng cần xác định rõ các quốc gia đang tiếp cận khái niệm này ra sao. Họ coi đây là một dòng sản phẩm bất động sản độc lập, có mức giá cụ thể, hay là một khái niệm mang tính tương đối. Phải trả lời rất rõ để xác định doanh nghiệp làm sản phẩm hay người dân.
Song song, ông Hiếu cho rằng, nên phân tích rõ cách tiếp cận của Nhà nước. Liệu Nhà nước nên tập trung điều tiết về phía cung, phía cầu hay can thiệp trực tiếp vào bản thân sản phẩm nhà ở? Nếu không làm rõ cách tiếp cận này, rất dễ dẫn tới sự lẫn lộn, chồng chéo trong chính sách.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội. (Ảnh: VNREA)
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội đánh giá cao cách tiếp cận bằng việc sử dụng các mô hình định lượng cũng như tách bạch được cung riêng, cầu riêng. Gợi ý thêm, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường nhấn mạnh tới tiêu chí “nhà ở vừa túi tiền” với cách tiếp cận từ 2 nhóm tiêu chí cơ bản: Một là đáp ứng nhu cầu ở và tiêu dùng của người dân; hai là đáp ứng khả năng chi trả thực tế của người mua.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, phân khúc nhà ở trung bình, vừa túi tiền rất hấp dẫn. Do đó, cần sự chung tay nghiên cứu, đề xuất để có những chính sách “vừa đúng vừa trúng” đáp ứng yêu cầu thị trường.
Đồng quan điểm pháp lý trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế đề nghị, cần đánh giá thực trạng và rà soát hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực nhà ở thương mại giá hợp lý. Trong đó, cần xác định rõ những gì đã có, những gì đang phát huy hiệu quả và những điểm còn thiếu hụt hoặc chưa phù hợp.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, nếu giá quá cao thì người dân không thể tiếp cận. Tuy nhiên, mức giá “vừa túi tiền” cũng không đồng nghĩa với nhà ở xã hội hay giá rẻ. “Điều quan trọng là phải tạo ra mức giá phù hợp với khả năng chi trả của số đông, để người tiêu dùng yên tâm và thị trường có thể tiêu thụ được sản phẩm”, chuyên gia nhấn mạnh.