Đề xuất chuyển hai cá thể voi ở Thủ Lệ về rừng tự nhiên có mạo hiểm?

Theo Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam, phương án tối ưu nhất đảm bảo tinh thần nhân đạo và cũng góp phần vào công tác bảo tồn chung là chuyển hai cá thể voi ở Thủ Lệ về rừng tự nhiên tại Vườn quốc gia Yok Đôn.

Chuồng nuôi voi ở vườn thú quá chật hẹp

Cuối tháng 7, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh 2 chú voi bị xích chân, gầy mòn trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). Thậm chí đã có một phong trào vận động trả voi về với núi rừng Tây Nguyên, nơi chú đã sinh ra và trưởng thành. Trước thông tin này, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam (Animals Asia) đã gửi công văn tới UBND Thành phố Hà Nội về điều kiện sống của những cá thể voi này.

Theo Animals Asia, trong thời gian gần đây, sự việc hai cá thể voi tại Vườn thú Hà Nội bị xích một chỗ - không được tự do di chuyển trong chuồng đã làm dấy lên nhiều bức xúc và niềm thương cảm không chỉ từ khách tham quan Vườn thú mà còn trong dư luận cộng đồng. Vì Tổ chức đang là đơn vị hỗ trợ Nhà nước bảo tồn đàn voi thông qua Dự án Voi nêu trên nên đã nhận được nhiều yêu cầu từ cộng đồng về việc hỗ trợ cải thiện phúc lợi cho hai cá thể voi tại Vườn thú Hà Nội để chúng có cuộc sống tốt hơn.

Cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội.

Cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội.

Hiện nay, khu chuồng nuôi voi tại Vườn thú Hà Nội có diện tích rất chật hẹp, không đủ để đáp ứng các nhu cầu tự nhiên của voi. Loài voi cần có không gian di chuyển tự do để cải thiện cũng như duy trì sức khỏe hệ xương khớp của chân và cơ thể. Voi cũng cần được tạo điều kiện để thực hiện các hành vi tự nhiên thiết yếu phù hợp với tập tính của loài, qua đó giúp cải thiện tình trạng phúc lợi của voi, để voi có thể trải nghiệm những trạng thái cảm xúc tích cực, giúp cho voi có được sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.

"Trên thực tế, các cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội thường bị xích tại chỗ trong thời gian dài, và nguồn lực để chăm sóc voi của Vườn thú cũng có hạn, nên sức khỏe của hai cá thể voi này sẽ ngày càng giảm sút và khó có thể cải thiện nếu chúng phải tiếp tục sống trong môi trường này", Animals Asia nêu.

Theo Tổ chức, phương án tối ưu nhất đảm bảo tinh thần nhân đạo và cũng góp phần vào công tác bảo tồn chung là chuyển hai cá thể voi này về rừng tự nhiên tại Vườn quốc gia Yok Đôn – là nơi Tổ chức đang thực hiện dự án bảo tồn voi và cũng là địa bàn gốc của một trong hai cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội. Tổ chức sẵn sàng tài trợ chi phí vận chuyển hai cá thể voi nếu khuyến nghị này được chấp thuận.

"Môi trường sống hiện tại của hai cá thể voi trong công viên đang không được đảm bảo. Chính vì thế, về lâu dài các cơ quan chức năng bao gồm chính quyền thành phố Hà Nội, chính quyền tỉnh Đắk Lắk, Tổ chức Động vật châu Á nên họp bàn với nhau để xem liệu có thể đưa hai cá thể trên vào trong mô hình chuyển đổi voi đang được thực hiện tại Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), để giúp chúng có thể sinh sống trong môi trường rừng hay không.

Tại Yok Đôn, hai con voi này sẽ được những nhân viên của tổ chức Animals Asia chăm sóc. Đó đều là những người có rất nhiều kinh nghiệm chăm voi. Bên cạnh đó, ở đây luôn có chuyên gia trong và ngoài nước, các bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe và sự phát triển của chúng", ông David Neale, Tổ chức Động vật châu Á kiến nghị.

Đưa về rừng tự nhiên vẫn cần giám sát

Ông Lê Sĩ Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vườn thú Hà Nội đề xuất trên vẫn chưa thực sự hợp lý bởi cả hai chú voi đều đã lớn tuổi, đồng thời đã ở Thủ Lệ hơn 10 năm qua. Bởi vậy, nếu không tính toán kỹ phương án vận chuyển, tái thả trong môi trường tự nhiên, hai cá thể voi này rất có thể sẽ chết. Bên cạnh đó, voi là loài có tập tính bầy đàn, voi mới vào sẽ không thể nhập đàn. Do đó rủi ro rất cao."Phải tính đến cả trường hợp, voi khi đưa về khu bảo tồn khỏe mạnh nhưng một thời gian nếu nó chết, ai sẽ là người chịu trách nhiệm", ông Dũng nhấn mạnh.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng sinh cảnh tốt nhất cho voi chính là rừng tự nhiên. Trên thế giới hiện còn có 3 loài voi: voi đồng cỏ châu Phi, voi rừng châu Phi và voi châu Á. Việt Nam là một trong 13 nước có voi châu Á phân bố. Voi thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp – Công ước CITES. Ở Việt Nam, voi được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN, bậc cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và được đưa vào nhóm có quy chế bảo tồn cao nhất, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.

Tập tính của voi phù hợp với rừng tự nhiên, song với những cá thể voi đã được nuôi quá lâu, việc làm quen với các tập tính tự nhiên như tự tìm kiếm thức ăn, tự tìm bầy đàn hay đấu tranh sinh tồn với các loài khác là không dễ dàng. Do vậy, để tốt nhất cho các cá thể voi này, theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh là nên đưa voi về rừng tự nhiên nhưng có giám sát chặt chẽ. Trước tiên, để voi thích nghi thì cho chúng ở trong môi trường bán tự nhiên, có cung cấp thức ăn và giám sát chặt chẽ các hoạt động. Sau một thời gian quan sát, khi voi đã quen với tự nhiên thì có thể để chúng tự thích nghi với môi trường.

"Nếu đưa được hai cá thể voi về Tây Nguyên thì rất tốt. Hai cá thể voi ở Vườn thú Hà Nội đã sống quen với sự chăm sóc của con người. Thời gian chúng gắn bó với con người nhiều hơn ở trong rừng. Ngoài dinh dưỡng, chúng coi con người như đồng loại. Do đó, nếu ngay lập tức thả ra môi trường bán hoang dã, chúng sẽ stress. Do vậy, ngay cả khi đưa về Yok Đôn, cả hai chú voi cần phải được chăm sóc trong điều kiện gần gũi với con người, thay vì được thả hoàn toàn vào môi trường hoang dã hoặc bán hoang dã", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-chuyen-hai-ca-the-voi-o-thu-le-ve-rung-tu-nhien-co-mao-hiem-16923081508301046.htm