Đề xuất cơ chế đặc biệt để chỉnh trang đô thị khu trung tâm quận 1

Nói về cuộc sống chật chội của người dân ở một số khu vực trung tâm quận 1, Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức lấy ví dụ, khu Chợ Gà, Chợ Gạo, có gia đình khi đi ngủ phải chia ca nhau vì chật chội. Có khu đất chỉ rộng 15m2 nhưng có tới 4-5 hộ dân sinh sống.

Sáng 13-6, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 31 (mở rộng). Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì hội nghị. Sau khi báo cáo tại hội trường, các đại biểu đã tham gia thảo luận tổ.

 Các đại biểu tham gia thảo luận tổ

Các đại biểu tham gia thảo luận tổ

Chật chội, thành viên trong gia đình phải chia ca để ngủ

Thảo luận tại tổ, về quy hoạch, Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức nhắc đến câu chuyện "trầm kha" của quận là ngay giữa trung tâm thành phố nhưng có các khu vực người dân sống rất chật chội. “Khu Chợ Gà, Chợ Gạo, bà con sinh hoạt, sinh sống trong không gian chật hẹp, nguy cơ cháy nổ cao, điều kiện sinh sống rất khó khăn. Có gia đình khi đi ngủ phải chia ca nhau vì chật chội. Có khu đất chỉ rộng 15m2 nhưng có tới 4-5 hộ dân sinh sống”, đồng chí Dương Anh Đức dẫn chứng.

 Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức phát biểu tại thảo luận tổ

Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức phát biểu tại thảo luận tổ

Theo đồng chí, quận 1 đã nỗ lực và kêu gọi đầu tư nhiều lần để chỉnh trang đô thị khu này. Song nằm trong khu 930ha nên bị hạn chế về chỉ số sử dụng đất, về chiều cao… nên nhiều nhà đầu tư đến rồi đi. Trong đó có nhà đầu tư tuyên bố không tính lãi, đủ chi phí và đảm bảo là họ làm, quận 1 cũng tạo điều kiện tối đa, mở rộng ra khu xung quanh nếu được để diện tích đủ triển khai dự án nhưng cũng không triển khai được. Cũng theo đồng chí, không riêng khu Chợ Gà, Chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh), quận 1 còn một số khu vực khác như vậy.

Đồng chí cho rằng, nếu áp dụng các quy định hiện nay thì chắc chắn không có lời giải; đồng thời đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy có cơ chế đặc biệt cho quận 1 để giải quyết khó khăn này. Trong đó, cần cho xây dựng công trình vượt độ cao, hệ số sử dụng đất tăng lên.

“Hiện nay, nguyên tắc tái định cư tại chỗ rất khó thực thi ở khu vực này vì có hộ diện tích chưa đến 10m2 nhưng căn hộ chung cư nhà ở xã hội phải 30m2-40m2, người dân không có điều kiện để bù tiền, nhà đầu tư không kham nổi nếu tài trợ. Nếu chúng ta không có chính sách đặc biệt thì sau 50 năm nữa khu này vẫn sẽ tồn tại”, Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức nhấn mạnh và kiến nghị, trong quy hoạch vùng trung tâm, cần tính đến các trường hợp đặc biệt để giải bài toán đặc biệt. Nếu không thì khu trung tâm sẽ mãi mãi không bao giờ thực sự là đô thị thông minh.

Hậu kiểm để xử lý doanh nghiệp “ma”

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hải quan TPHCM tính đến đầu tháng 6 đạt 46,8 tỷ USD, chiếm 15,33% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, tăng 3,37% so cùng kỳ năm 2023. Đến giữa tháng 6, Cục Hải quan TPHCM đã thu thuế đạt gần 60.000 tỷ đồng, bằng 40,62% dự toán pháp lệnh. Số thu giảm khoảng 6% so cùng kỳ 2023.

Lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhưng số thu giảm, ông Tuấn cho biết là do một số mặt hàng chiếm tỷ trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế cao bị giảm, tập trung vào mặt hàng ô tô, xăng dầu, sắt thép.

Chính sách cắt giảm thuế giá trị gia tăng là 2%, áp dụng từ đầu năm 2024 đã tác động và ảnh hưởng đến số thu. Ngoài ra, Việt Nam thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức thuế ưu đãi đặc biệt; các hạ tầng logistic, hệ thống giao thông tại các cảng và hệ thống đường bộ, nhất là hệ thống đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 chưa hoàn chỉnh; sự thiếu hụt bãi container về các kho, bãi chứa hàng hóa… làm tăng chi phí phát sinh cho doanh nghiệp cũng như khó khăn trong vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp, khu chế xuất trong quy hoạch chưa có quy hoạch về thiết kế và địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa dẫn đến tăng chi phí, mất thời gian doanh nghiệp phải vận chuyển ra các cảng để kiểm tra hàng hóa. Do đó, ông Tuấn đề xuất TPHCM bổ sung báo cáo theo hướng khi phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về công tác thu thuế tại TPHCM, Cục trưởng Cục thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình cho biết, lũy kế 5 tháng đạt hơn 180.000 tỷ đồng (đạt 52,6% so với dự toán), tăng 19,5% so cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực có liên quan đều có mức độ tăng trưởng ấn tượng.

Dự kiến 6 tháng đầu năm, số thu nội địa của thành phố đạt 59% dự toán. Với tốc độ này, ông Nguyễn Nam Bình nhận định chắc chắn sẽ thực hiện hoàn thành dự toán năm 2024. Điều này cho thấy nền kinh tế thành phố đang ấm lên.

Ông Bình kiến nghị, năm 2024, TPHCM nhận số thu các khoản thu từ đất (tiền thuê đất và sử dụng đất) là 35.000 tỷ từ Trung ương. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm mới thực hiện được gần 600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Nam Bình cũng thông tin, các hoạt động gian lận về thuế đang có chiều hướng phức tạp, nhất là doanh nghiệp thành lập ra không phải để phục vụ sản xuất kinh doanh mà là doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp mua bán hóa đơn. Cục trưởng Cục thuế TPHCM kiến nghị Sở KH-ĐT và UBND các quận, huyện, ngoài cấp giấy phép thì có công tác hậu kiểm chặt chẽ để xác định doanh nghiệp nào hoạt động thực sự và xử lý các doanh nghiệp thành lập vì mục đích khác.

NGÔ BÌNH - THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-co-che-dac-biet-de-chinh-trang-do-thi-khu-trung-tam-quan-1-post744437.html