Đề xuất công bố tình huống khẩn cấp với sự cố sạt trượt đất tại khu vực hồ Đông Thanh
Căn cứ tình trạng thực tế và qua phân tích, đối chiếu quy định, cơ quan chức năng đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà.
Chiều 19/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh).
Bước đầu, cơ quan chức năng đánh giá sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, gần khu vực hồ chứa nước Đông Thanh, là do yếu tố thiên tai gây ra. Sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đã tác động gây mất an toàn đến cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh đang thi công.
Báo cáo ngày 23/8 của Cục Địa chất Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo tại các công điện của Thủ tướng Chính phủ và kết quả khảo sát tình hình trượt lở đất tại một số khu vực ở Tây Nguyên, cho thấy, qua khảo sát, có khối trượt mới nằm trong cung trượt cổ, chiếm diện tích 23ha, kích thước 900 x 260m, cao 40m (từ 1050m đến 1010), hướng trượt 160 độ. Các vết nứt xuất hiện tại cung trượt từ ngày 25/6, đến ngày 10/8 trượt lở vẫn hoạt động. Nơi phát triển khối trượt là nơi giao nhau của 3 hệ thống đứt gãy.
Kết luận sơ bộ, hoạt động trượt lở đất đá phát sinh đến mức quan sát được là do khối trượt vẫn đang hoạt động, trong điều kiện mưa lớn, kéo dài làm tăng tải trọng khối trượt, giảm ma sát, đất đá ngậm nước giảm liên kết nên dễ dàng quan sát được khối trượt đang dịch chuyển; khối trượt đang trượt vào vai đập với thể tích lớn, mặt trượt có thể nằm ngay dưới chân đập, trong thời gian tới có thể vai đập sẽ bị nứt nhiều hơn không an toàn nếu tích nước mà không có biện pháp công trình phù hợp.
Cục Địa chất Việt Nam đã kiến nghị, tạm dừng thi công công trình đập tràn tới khi có biện pháp phòng tránh hợp lý, khoa học. Đồng thời, khẩn trương điều tra, khảo sát làm rõ đặc điểm địa chất, địa mạo, địa chất công trình-địa chất thủy văn của khối trượt và khu vực bao quanh hồ; cần làm rõ hiện trạng, quy mô (chiều sâu, dài, rộng, ảnh hưởng) diễn biến phát triển các đường nứt của cung trượt tại khối trượt làm cơ sở lựa chọn và thiết kế giải pháp nêu trên một cách phù hợp và hiệu quả; lập bản đồ phân vùng cảnh báo, dự báo sớm và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời nguy cơ nứt, sạt trượt lở đất phạm vi từ đập thủy lợi đến hết đường phân thủy bao quanh phần tích nước hồ…
Trên cơ sở thực tế, các nội dung phân tích và đối chiếu quy định; tại cuộc họp mới đây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng chủ trì, cùng các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan, thống nhất kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh.
Đồng thời, cho phép Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà lập dự án khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực xảy ra sự cố; tạm dừng thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh cho đến khi Ủy ban nhân dân huyện Lâm Hà thực hiện xong việc xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý.
Như Báo Nhân Dân đã thông tin, tình trạng sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực hồ chứa nước Đông Thanh xảy ra từ đầu tháng 7/2023. Sau khi xảy ra sự cố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cùng đoàn công tác của tỉnh; Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các chuyên gia kiểm tra, khảo sát hiện trường sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực dự án hồ chứa nước Đông Thanh và đã có những chỉ đạo xử lý cấp bách và đưa ra những giải pháp lâu dài.