Đề xuất công nhận liệt sĩ, thương binh cho người lao động tham gia động viên công nghiệp
Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Trong đó, đề xuất công nhận liệt sĩ, thương binh cho người lao động chết hoặc bị thương trong quá trình tham gia động viên công nghiệp.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, động viên công nghiệp là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang Nhân dân để sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ.
Chế độ chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh
Tại Điều 56 dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được trả lương và hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi như sau:
Lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan công an được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công an nhân dân. Riêng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan công an làm việc tại doanh nghiệp hưởng chế độ tiền lương thực lĩnh hàng tháng theo kết quả sản xuất kinh doanh.
Lao động trực tiếp tham gia nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, bảo quản, vận chuyển vũ khí trang bị, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật có tính chất độc hại, nguy hiểm hoặc đảm nhiệm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao được hưởng khoản tiền trách nhiệm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ; được hưởng khoản tiền độc hại, nguy hiểm đối với ngành nghề, công việc quốc phòng, an ninh đặc thù.
Công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, công nhân công an ngoài chế độ tiền lương còn được hưởng thêm chế độ phụ cấp theo quy định của pháp luật về chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nhà nước đảm bảo kinh phí trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan công an trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu; thanh toán các khoản chi ra quân, xuất ngũ, phục viên, thôi việc theo chế độ hiện hành; nhà nước hỗ trợ lương lao động định biên các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh trong thời gian tạm ngừng sản xuất quốc phòng, an ninh mà doanh nghiệp không đủ điều kiện bù đắp chi phí.
Lao động khi làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh mà hy sinh, bị thương, bị bệnh, bị tai nạn thì được xét xác nhận là liệt sỹ, thương binh, bệnh binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Đối với nguồn nhân lực chất lượng cao khi làm việc trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh: Lao động có trình độ đại học trở lên, công nhân kỹ thuật những ngành nghề đặc thù quốc phòng, an ninh, công nhân kỹ thuật bậc cao được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi tại khoản 1 Điều này và chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao; được tạo điều kiện về vị trí việc làm phù hợp năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được tạo điều kiện về đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành khi làm việc trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được trả lương và hưởng các chế độ chính sách ưu đãi sau: Được đàm phán và hưởng lương, thưởng, lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; được cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh ưu tiên tạo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực trong triển khai nhiệm vụ.
Chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành là người nước ngoài được xem xét rút ngắn quy trình thủ tục thẩm định giấy phép lao động, miễn giảm một phần thuế thu nhập cá nhân; được chỉ định lựa chọn, hưởng thù lao đặc biệt và chế độ ưu đãi khác theo hợp đồng lao động.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.
Đề xuất công nhận liệt sĩ, thương binh cho người lao động tham gia động viên công nghiệp
Tại Điều 57 dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, chế độ chính sách đối với người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp được quy định như sau
Trong thời gian trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa sản phẩm động viên công nghiệp, người lao động được hưởng các chế độ sau: được hưởng chế độ tiền lương hiện hành; được hưởng chế độ chính sách ưu đãi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ động viên công nghiệp.
Hiện hành, Điều 29 Pháp lệnh động viên công nghiệp năm 2003 quy định người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp được miễn nghĩa vụ lao động công ích trong thời gian thực hành động viên công nghiệp.
Đồng thời, Điều 21 Nghị định 132/2004/NĐ-CP cũng quy định người lao động trực tiếp trong thời gian tham gia thực hành động viên công nghiệp, được hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh như đối với công nhân, viên chức quốc phòng theo quy định hiện hành.
Trong thời gian diễn tập và thực hành động viên công nghiệp: Nếu hy sinh hoặc bị thương thì được xem xét xác nhận là liệt sĩ, thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng; nếu ốm đau, tai nạn từ trần thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Theo quy định hiện nay, trong thời gian diễn tập và thực hành động viên công nghiệp mà bị tai nạn, ốm đau, bị thương, từ trần, hy sinh thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.