Đề xuất đại biểu Quốc hội phát biểu không quá 5 phút

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nội quy kỳ họp quy định đại biểu Quốc hội phát biểu lần đầu không quá 5 phút, thay vì 7 phút như hiện nay.

Sáng 15-5, Quốc hội (QH) nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp QH ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình. Ảnh: Hồ Long

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Tờ trình. Ảnh: Hồ Long

Theo dự thảo Nghị quyết, QH họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp không thường lệ của QH được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của QH đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Kỳ họp thường lệ giữa năm của QH khai mạc vào ngày 20-5; kỳ họp thường lệ cuối năm của QH khai mạc vào ngày 20-10. Trường hợp ngày 20-5 và ngày 20-10 trùng vào ngày thứ Sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày khai mạc kỳ họp QH là ngày làm việc kế tiếp.

Trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức kỳ họp QH vào các thời điểm nêu trên hoặc trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của QH do UBTVQH quyết định.

Ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội do UBTVQH hội khóa trước quyết định theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ngày khai mạc kỳ họp QH cuối nhiệm kỳ và kỳ họp không thường lệ của QH do UBTVQH quyết định.

Điểm mới trong nội quy kỳ họp sửa đổi là quy định ĐBQH phát biểu lần thứ nhất không quá 5 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút. Điều này thay đổi so với quy định hiện hành là "ĐBQH phát biểu lần thứ nhất không quá 7 phút".

Căn cứ vào diễn biến phiên họp, Đoàn chủ tịch có thẩm quyền đề nghị QH quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian mỗi ĐBQH phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Hồ Long

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng về thời gian phát biểu của ĐBQH, quá trình thảo luận trong Ủy ban có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định sửa đổi nêu trên để tạo điều kiện cho nhiều ĐBQH được phát biểu tại các phiên họp toàn thể của QH; trường hợp đại biểu Quốc hội chưa phát biểu hết ý kiến thì có thể đăng ký phát biểu lần thứ hai hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội. Việc quy định thời gian phát biểu lần đầu không quá 5 phút cũng phù hợp với thông lệ hoạt động của Quốc hội, Nghị viện nhiều nước trên thế giới và thực tiễn tiến hành các phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội nước ta thời gian qua.

Tuy nhiên, khi đã quy định thời gian phát biểu của ĐBQH không quá 5 phút thì không nên tiếp tục rút ngắn thời gian mỗi đại biểu phát biểu, tạo điều kiện cho đại biểu chủ động chuẩn bị nội dung phát biểu và nói hết ý kiến của mình.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của ĐBQH từ không quá 7 phút (theo quy định hiện hành) xuống còn không quá 5 phút và căn cứ vào diễn biến phiên họp, thời gian phát biểu lần đầu còn có thể rút ngắn hơn là không thực sự phù hợp, không đủ thời gian để ĐBQH trình bày hết ý kiến của mình, nhất là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, các dự án luật, nghị quyết cơ bản đều được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp.

Do đó, loại ý kiến này đề nghị giữ quy định như hiện hành, chỉ bổ sung thêm quy định về việc chủ tọa, người điều hành phiên họp căn cứ vào diễn biến phiên họp có thể đề nghị QH quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH xuống còn không quá 5 phút để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-dai-bieu-quoc-hoi-phat-bieu-khong-qua-5-phut-196250515092939383.htm