Đề xuất đánh thuế trong giao dịch vàng: Chỉ nên áp dụng với nhóm đầu cơ vàng
Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, đề xuất đánh thuế vàng nhằm góp phần ngăn việc tích trữ, đầu cơ vàng là một trong những biện pháp về mặt kinh tế để góp phần bình ổn giá vàng, nhưng chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để đầu cơ, mua đi bán lại, không nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ.
Giá vàng liên tiếp tăng trong khi lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp đã khiến nhiều người dân chuyển sang nắm giữ vàng. Thực tế này khiến “cơn sốt vàng” từ đầu năm tới nay tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Nhiều chuyên gia đề xuất đánh thuế vàng nhằm góp phần ngăn việc tích trữ, đầu cơ vàng. Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, đây là một trong những biện pháp về mặt kinh tế để góp phần bình ổn giá vàng, nhưng chỉ nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để đầu cơ, mua đi bán lại, không nên đánh thuế đối với nhóm mua vàng để tích trữ. Bên cạnh đó, cần thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động giao dịch vàng bằng các giải pháp kỹ thuật.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang triển khai chương trình bán vàng miếng thông qua các ngân hàng nhằm mục tiêu bình ổn giá, đưa giá vàng trong nước tiệm cận dần với giá vàng thế giới. Giải pháp bán vàng này đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người có tiền cần mua vàng như là tài sản để tích trữ.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mua vàng không phải để tích trữ mà với động cơ là đầu cơ, mua đi - bán lại để kiếm lợi. Hành vi đầu cơ vàng để kiếm lợi không tốt cho nền kinh tế, làm đẩy giá vàng lên, kéo theo nhiều người bỏ tiền vào đầu tư vàng, gây thâm hụt vốn đầu tư cho các lĩnh vực sản xuất khác. Bởi vậy, cần có những biện pháp về mặt hành chính cũng như những biện pháp về mặt kinh tế đối với hoạt động có tính chất đầu cơ vàng này.
“Nếu như chúng ta đề xuất chính sách thuế, tôi cho rằng, đây là một công cụ kinh tế thì phải hướng vào nhóm đầu cơ vàng để mua đi bán lại chứ không phải là đánh thuế vào những người mà người ta có nhu cầu mua vàng để tích trữ. Vì vậy, Nhà nước bán ra phải sử dụng 2 hình thức, một loại thứ nhất là bán vàng dạng như các tín chỉ vàng. Các tín chỉ ấy được ngân hàng lưu trữ và như vậy chắc chắn là vàng này không phải là vàng để đầu cơ, không phải mua đi bán lại. Còn cũng nhà nước bán vàng đấy, nhưng lại lấy vàng vật chất ra để bán lại cho người khác, thì hoạt động mua bán vàng vật chất ở bên ngoài đấy thì tôi cho rằng cần phải áp dụng một mức thuế”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Hiện người mua - bán vàng không phải chịu thuế. Nếu coi vàng là hàng hóa và kênh đầu tư, thì vàng có lợi thế hơn hẳn các kênh đầu tư khác. Đầu tư bất động sản khi bán nhà, căn hộ phải nộp thuế. Đầu tư chứng khoán khi bán cổ phiếu cũng phải nộp thuế. Nhưng đầu tư vàng thì không. Vì vậy, nếu áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt là đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, để khắc phục tình trạng chênh lệch giá vàng cao, biến động trên thị trường nhiều, Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý mới chặt chẽ hơn. Đặc biệt, nên yêu cầu các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ sản lượng giao dịch của các điểm giao dịch, giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng thao túng thị trường vàng, để cửa hàng kinh doanh vàng kết nối với cơ quan quản lý, từ đó kiểm soát được khối lượng vàng bán ra hàng ngày.
“Nếu chúng ta quản lý chặt chẽ được sản lượng giao dịch của tất cả nơi kinh doanh vàng lúc đó thị trường bình thường, không có vấn đề thao túng, không vấn đề tính toán lợi ích trong đấy nữa. Với công nghệ này hoàn toàn có thể trong vòng hai tháng giải quyết được ngay, không có gì khó cả. Hiện nay, công nghệ máy móc trang bị hơn 10 triệu thì chúng ta làm được việc này. Như vậy sẽ triệt tiêu được những lợi ích mà có những động cơ không trong sáng đối với thị trường vàng”, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết.