Đề xuất đánh thuế tỷ phú của ông Biden gặp khó
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã đưa ra một đề xuất trực tiếp tác động đến giới siêu giàu nước Mỹ: đánh thuế thu nhập tối thiểu với tỷ phú để bù đắp phần thâm hụt cho ngân sách liên bang từ năm 2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Đề xuất đánh thuế tỷ phú của ông Biden đối diện nhiều thách thức
Với tên gọi “thuế thu nhập tối thiểu tỷ phú”, mức thuế tối thiểu 20% đánh trên toàn bộ thu nhập, bao gồm cả thu nhập trên giấy tờ dự kiến sẽ áp dụng với những hộ gia đình tại Mỹ có giá trị tài sản ròng từ 100 triệu USD trở lên, ước tính khoảng 0,01% dân số Mỹ.
Theo tính toán của chính quyền Tổng thống Joe Biden, việc áp thuế như vậy sẽ mang về cho ngân sách liên bang khoảng 360 tỷ USD trong khoảng một thập kỷ tới đây, trong đó hơn một nửa số thu thuế đến từ các hộ gia đình siêu giàu với tài sản từ 1 tỷ USD trở lên.
Nằm trong kế hoạch ngân sách liên bang năm 2023 được Tổng thống Joe Biden công bố vào cuối tháng 3, thuế thu nhập tối thiểu tỷ phú được khẳng định sẽ chấm dứt “tình trạng người siêu giàu nước Mỹ nộp thuế ít hơn cả giáo viên và lính cứu hỏa”. Nghịch lý này xuất hiện do chính phủ Mỹ hiện không đánh thuế tài sản tăng giá, chẳng hạn cổ phiếu, cho đến chừng nào những tài sản này được bán ra.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng dự luật về mức thuế đánh vào giới siêu giàu khó lòng đạt được sự nhất trí cao trong Quốc hội.
Hạ nghị sĩ Josh Gottheimer trả lời trên tờ CNBC vào đầu tháng 4: “Đề xuất về thuế đánh vào tỷ phú và cách mà chính quyền ông Biden đưa ra dự luật này không có nhiều ý nghĩa. Tôi không cho rằng đề xuất này sẽ làm nên trò trống gì”.
Tương tự, ông Howard Gleckman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện phân tích chính sách thế Urban-Brookings nhận định: “Tôi nghĩ thành thực mà nói, việc thuyết phục Quốc hội về đề xuất đánh thuế tỷ phú là một thách thức lớn (với ông Biden)”.
Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, một số thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đưa ra đề xuất đánh thuế tỷ phú tương tự để lấy nguồn cho các gói chi tiêu Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, đề xuất khi ấy không nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong Đảng.
Ngay cả khi đề xuất được đưa ra thảo luận trước Quốc hội, vấn đề pháp lý để áp dụng mức thuế như vậy vẫn là thách thức lớn. Ông Howard Gleckman nêu ví dụ: “Với những chủ doanh nghiệp có tài sản ước tính vượt quá 100 triệu USD, nhưng tài sản của họ nằm trong doanh nghiệp và rất khó định giá thì sao?”
Trong lịch sử, nhiều nước châu Âu đã từ bỏ ý định đánh thuế tỷ phú tương tự do khó có thể kê khai và định giá tài sản của từng cá nhân trong danh sách phải nộp thuế, ông Gleckman cho biết thêm.
Khó khăn trong kê khai và định giá tài sản của từng cá nhân nộp thuế là lý do nhiều nước châu Âu từ bỏ ý định đánh thuế tỷ phú (Ảnh: CrisisEquipped)
Đánh thuế người siêu giàu hôm nay, tương lai tầng lớp trung lưu “chịu trận”?
Một phân tích trên tờ Barrons khẳng định ý tưởng đánh thuế tỷ phú không thành công thực chất sẽ có lợi cho tầng lớp trung lưu.
Phân tích này khẳng định mặc dù ý tưởng đánh thuế người giàu của Tổng thống Biden chỉ nhắm vào số ít những người giàu có nhất nước Mỹ, nhưng về tác động lâu dài, nó sẽ làm thay đổi cơ bản cách thức vận hành của hệ thống thuế và mở ra thêm một nguồn thu mới cho Bộ Tài chính.
Mặc dù theo đề xuất, mức thuế tối thiểu 20% chỉ áp dụng với các hộ gia đình giàu với giá trị tài sản ròng từ 100 triệu USD trở lên. Dù vậy, Barrons cho rằng sau thời kỳ lạm phát tài sản dai dẳng và lên đến đỉnh điểm như hiện tại, một loại thuế thu nhập tối thiểu tỷ phú như vậy cuối cùng sẽ áp lên một tỷ lệ dân số ngày càng lớn, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. “Lịch sử cho ta thấy rằng phạm vi áp dụng thuế luôn thay đổi và có xu hướng mở rộng từ tầng lớp thượng lưu đến trung lưu”.
Năm 1913, khi Quốc hội Mỹ thông qua đề xuất đánh thuế thu nhập đầu tiên trong lịch sử tại Tu chính án thứ 16, mức thuế tối đa là 7% đối với những người có thu nhập trên 500.000 USD. Sau những lần tăng thuế, hiện nay, Mỹ áp dụng biểu thuế lũy tiến với 7 bậc từ 10% đến tối đa 37%.
Một ví dụ khác là loại thuế tối thiểu thay thế (Alternative Minimum Tax) mà Chính phủ Mỹ đưa ra năm 1969 nhằm bảo đảm rằng các cá nhân hay công ty giàu có phải chi trả thêm một khoản thuế hợp lý. Theo đà tăng của lạm phát giá cả và tiền lương, số hộ gia đình phải nộp thuế tối thiểu thay thế đã tăng mạnh từ mức 200.000 hộ vào năm 1982 lên tới 5,2 triệu hộ vào năm 2017, mặc dù thu nhập thực tế của họ được chứng minh là không đổi.
Mặc dù năm 2018, mức thuế này được điều chỉnh giảm, nhưng với đà lạm phát hiện nay, dự báo tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục chịu gánh nặng thuế nặng nề vào khoảng sau năm 2025.