Đề xuất đặt cọc mua nhà không quá 2%, rủi ro khách bỏ cọc tăng

Theo Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, số tiền đặt cọc mua nhà không vượt quá 2% giá bán. Một số chuyên gia cho rằng đây là tỷ lệ quá thấp, rủi ro khách hàng và nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc khi không có nhu cầu.

Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản quy định thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 2% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng. Tỉ lệ giới hạn 2% số tiền đặt cọc mua nhà được lựa chọn căn cứ trên mức phí bảo lãnh trung bình cũng là 2% và nhằm mục đích kiểm soát việc đặt cọc chỉ để thăm dò thị trường, không phải huy động vốn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tỉ lệ giới hạn 2% số tiền đặt cọc mua nhà là quá thấp, dễ dẫn đến tình trạng cả khách hàng và nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc khi không có nhu cầu nữa. Một số ý kiến đề nghị, nên quy định mức đặt cọc mua nhà từ 10 - 15%.

Tỉ lệ giới hạn đặt cọc mua nhà 2% không có ý nghĩa thực tế

Tỉ lệ giới hạn đặt cọc mua nhà 2% không có ý nghĩa thực tế

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ pháp lý công ty Vinhomes cho rằng tỉ lệ giới hạn đặt cọc mua nhà 2% trên thực tế không có ý nghĩa với chủ đầu tư và khách hàng. Với tình hình biến động của thị trường như thế hiện nay, chủ đầu tư hay khách hàng đều có thể chấp nhận bỏ cọc nếu số tiền đặt cọc chỉ không quá 2% giá bán, cho thuê mua.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hằng đề xuất nên để chủ đầu tư và khách hàng tự thỏa thuận mức đặt. Căn cứ theo tình hình thị trường, hai bên có thể thỏa thuận số tiền đặt cọc mua nhà hợp lý.

Tuy nhiên, nếu cần kiểm soát hoạt động đặt cọc mua nhà, bà Nguyễn Thị Thu Hằng đề xuất số tiền đặt cọc tương đương 50% khối lượng tiền đầu tiên trao cho chủ đầu tư theo hợp đồng mua bán (15% giá bán, cho thuê mua).

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong khi dự án chưa được hình thành, việc xác định tỉ lệ cọc 2% là phù hợp để tránh lợi dụng huy động vốn. Nếu sau này dự án không triển khai được thì sẽ dẫn đến tranh chấp. Vì vậy việc đặt cọc này chỉ có ý nghĩa để khuyến khích chủ đầu tư trong việc xác định được thị trường, xác định được khách hàng ban đầu.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp phép xây dựng hoặc đã có thông báo khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với trường hợp không phải cấp phép xây dựng.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/de-xuat-dat-coc-mua-nha-khong-qua-2-rui-ro-khach-bo-coc-tang-109225.htm