Đề xuất đấu giá biển số xe máy khởi điểm 5 triệu đồng có khả thi?
Bộ Công an vừa có dự thảo Nghị định quy định về đấu giá biển số xe máy với giá khởi điểm 5 triệu đồng. Các chuyên gia nhận định, đấu giá biển số xe máy sẽ tăng thu ngân sách lớn, tuy nhiên vẫn còn băn khoăn.
Bộ Công an đang lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cá nhân về dự thảo Nghị định quy định về đấu giá biển số xe. Trong đó, dự thảo bổ sung đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy với mức giá khởi điểm 5 triệu đồng, bước giá đối với đấu giá biển số là 500.000 đồng.
Theo Bộ Công an, việc bổ sung thêm nội dung đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân bên cạnh hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay, nhằm đưa thêm sự lựa chọn cho người dân, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội và chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, việc đấu giá biển số xe mô tô sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu sở hữu biển số xe đẹp, giảm tiêu cực trong việc lựa chọn biển số xe. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng băn khoăn về tình trạng bỏ cọc và số lượng xe máy quá lớn sẽ khó khăn trong quản lý khi biển số được mua đi, bán lại.
Tăng thu lớn cho ngân sách
Mở rộng đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu người dân vừa tăng thu rất lớn cho ngân sách, các chuyên gia nhận xét thế nào về ý kiến này?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường: Trước khi mở rộng đấu giá biển số xe máy, chúng ta đã thực hiện thí điểm đấu giá biển số ô tô và kết quả khá thành công. Thực tế cho thấy, đấu giá biển số ô tô thời gian qua đã mang về khoản thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, 4 phiên đấu giá thu về hơn 2.700 tỷ đồng; đồng thời, đáp ứng được nhu cầu sở hữu biển số đẹp ô tô của nhiều người.
Từ đó, việc mở rộng đấu giá biển số xe mô tô có thể khả thi. Thực tế trong xã hội, rất nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe mô tô đẹp. Căn cứ nhu cầu thực tế và công tác quản lý phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy hiện nay, hoàn toàn có thể áp dụng quy định về đấu giá biển số xe mô tô. Quy trình thủ tục đấu giá biển số xe mô tô cũng tương tự quy trình đấu giá biển số xe ô tô tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đấu giá Tài sản.
Tôi ủng hộ chủ trương đấu giá biển số xe mô tô. Đến nay, chúng ta có cơ sở pháp lý để đấu giá biển số ô tô và kinh nghiệm tổ chức triển khai hoạt động này. Việc đấu giá biển số ô tô thời gian qua cũng nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, đáp ứng nhu cầu sở hữu biển số xe đẹp của nhiều người và vẫn đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý các phương tiện giao thông, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, có tương đối đầy đủ cơ sở dữ liệu về dân cư, phương tiện giao thông, đặc biệt là tổ chức thực hiện biển số định danh nên tổ chức đấu giá biển số xe mô tô khá thuận lợi so với lúc thí điểm đấu giá biển số ô tô trước đây. Bởi vậy, việc quy định đấu giá biển số mô tô ở Việt Nam thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sở hữu biển số đẹp, giảm tiêu cực.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên: Tôi cũng cho rằng, Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ có nội dung quy định về đấu giá biển số xe góp phần khai thác hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Mới đây, Bộ Công an mở rộng nội dung đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Vẫn còn băn khoăn
Một số ý kiến băn khoăn tình trạng bỏ cọc có thể diễn ra, tương tự đấu giá biển số ô tô. Trong khi đó, số lượng xe máy khá lớn sẽ khó khăn trong công tác quản lý biển số sau đấu giá?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường: Thực tế, lo ngại tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá là có cơ sở. Quá trình triển khai thí điểm đấu giá biển số ô tô từng xảy ra tình trạng người trúng đấu giá với hàng chục tỷ đồng, nhưng không nộp tiền. Cụ thể, tháng 9/2023, có người trúng đấu giá biển số ô tô 51K - 888.88 với hơn 32 tỷ đồng, nhưng không nộp tiền. Sau đó, biển số này được đấu giá lại với giá 15,2 tỷ đồng. Tương tự, tháng 10/2023, có người mua biển số 30K - 999.99 hơn 75 tỷ đồng, nhưng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sau đó bị hủy. Biển số này được đấu giá lại và “chốt” 30,6 tỷ đồng.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định, người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ tiền trong 30 ngày từ khi có thông báo kết quả. Sau thời hạn trên, người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền, biển số xe sẽ được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Đồng thời, người trúng đấu giá không được hoàn trả tiền đặt trước, tiền đã nộp và không được tham gia đấu giá biển số xe trong 12 tháng.
Người trúng đấu giá phải làm thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trong 12 tháng, trường hợp bất khả kháng được kéo dài thêm 6 tháng. Quá thời hạn này, biển số xe được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký. Người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đã nộp. Đây là điểm chú ý của luật mới so với Nghị quyết của Quốc hội giữa năm 2023 đang được áp dụng, nhằm hạn chế tình trạng gây nhiễu loạn, phức tạp cho hoạt động đấu giá trực tuyến và ảnh hưởng không tốt hiệu quả đấu giá.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên: Tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá là hoạt động thông thường của người dân mà hiện nay chưa quản lý nổi nên cần có phương án đảm bảo cho công tác quản lý, đấu giá đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, tôi cũng có băn khoăn, hiện nay mở rộng đấu giá biển số xe máy đã hợp lý chưa? Bởi số lượng xe mô tô, xe gắn máy quá nhiều, chủ sở hữu các loại xe này không ổn định, nay họ mua, mai lại bán.
Do đó, tôi cho rằng, việc mở rộng đấu giá biển số xe máy sẽ làm không xuể và khó quản lý. Nên lùi đấu giá biển số xe máy cho đến khi công nghệ thông tin đủ đáp ứng việc đấu giá.
Đấu giá biển số xe máy mang lại nguồn thu cho ngân sách thì rất tốt, nhưng cần cân nhắc, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Xin cảm ơn các chuyên gia.
Mời độc giả xem thêm video Đề xuất Đấu Giá biển số xe Đẹp