Đề xuất đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng làm cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương
Nếu được Bộ GTVT thông qua, cao tốc Bảo Lộc- Liên Khương với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng sẽ được xây dựng bằng vốn đầu tư công.
Ban QLDA Thăng Long vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương nằm trọn trong địa phận tỉnh Lâm Đồng, có chiều dài 73,5 km, với điểm đầu tại Km126+360, giao cắt với quốc lộ 55 (Km237), thuộc địa phận phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc và điểm cuối tại Km199+717 giao với tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Tuyến đường thuộc Dự án là công trình cấp I, vận tốc thiết kế 100 km/h, trong đó giai đoạn một, phân kỳ theo quy mô bốn làn xe, bề rộng nền đường 17 m, không có làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án sẽ đầu tư để đạt tiêu chuẩn cao tốc bốn làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km.
Tính toán sơ bộ của Ban QLDA Thăng Long, tổng mức đầu tư dự án khoảng 12.104 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, trong đó chi phí xây dựng khoảng 7.600 tỷ đồng.
Trong trường hợp được Bộ GTVT phê duyệt, dự án sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát trong quý I/2022; khởi công công trình vào quý I/2022 và hoàn thành vào năm 2025.
Trước đó, Ban QLDA Thăng Long cũng đã đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67,3 km, có tổng mức đầu tư 18.217 tỷ đồng.
Việc đầu tư Dự án xây dựng tuyến cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Ngoài việc kết nối Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương với 2 dự án thành phần là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương sẽ giúp vận chuyển hàng hóa và khách du lịch từ TP.HCM tới Đà Lạt (Lâm Đồng) được tiện lợi hơn.