Đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ lần này cần đẩy mạnh phân cấp tối đa cho Chính phủ, để Chính phủ chủ động, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, đưa đất nước phát triển…

Ngày 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp, các ý kiến tán thành sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ; thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật... Đồng thời, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm liên quan tới quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền; phân cấp, ủy quyền; điều khoản chuyển tiếp, quan hệ của Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hiện nay dư luận, nhân dân rất quan tâm tới việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo đúng chủ trương “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Do đó, các nội dung trình Quốc hội liên quan tới sắp xếp tổ chức bộ máy phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; quá trình chuẩn bị cần khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã làm việc rất trách nhiệm, tích cực, bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, để hoàn thiện cần tiếp tục rà soát đảm bảo nội dung sửa đổi phải phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung. Đồng thời, lưu ý câu chữ cũng như cách thức thể hiện tuân thủ theo Hiến pháp, đúng quy trình rút gọn.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Nhấn mạnh trong lần sửa đổi này cần đẩy mạnh phân cấp tối đa cho Chính phủ, để Chính phủ chủ động, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, đưa đất nước phát triển, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định liên quan tới phân cấp, phân quyền quy định trong luật này với các luật có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền tại Điều 7, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quy định phải bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời, cần quy định rõ về mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội...; phân định rõ thẩm quyền giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Rà soát, xử lý các nội dung còn giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.

 Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia phiên họp.

Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về phân cấp, phân quyền “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội hàm khái niệm về “phân cấp”, “ủy quyền” tại dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); quy định rõ về các điều kiện phân cấp như tài chính, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính... Ngoài ra, làm rõ hơn về điều kiện, người được phân cấp, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm; cơ quan được phân cấp phải chủ động, không nên quy định về việc phân cấp tiếp.

Liên quan điều khoản chuyển tiếp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xác định rõ các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh đã được điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ và ban hành 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.

Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành các nội dung lớn của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về đổi mới, sáng tạo sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, phân định thẩm quyền trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp theo nguyên tắc phân cấp cho Chính phủ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ quản lý điều hành, phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, liên quan tới quy định về phân cấp cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn nội dung phân cấp, ủy quyền trong hệ thống hành chính, các từ ngữ, thuật ngữ thể hiện, bảo đảm đúng quy định của Đảng, thống nhất trong hệ thống pháp luật, các luật có liên quan. Ngoài ra, bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp về nhiệm vụ, quyền hạn được giao với phân cấp về thủ tục hành chính, trình tự giải quyết công việc; làm rõ trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới trong phân cấp; phân cấp cần gắn với bảo đảm nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện kết quả nhiệm vụ. Đồng thời, không phân cấp tiếp; phân cấp phải đảm bảo thông suốt, thuận lợi, khả thi...

Về 2 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí theo phương án đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp để khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-day-manh-phan-cap-phan-quyen-trong-du-an-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-post333130.html