Đề xuất dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.
5 nội dung dạy và học
Theo dự thảo, nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một gồm các nội dung như sau:
Thứ nhất, chuẩn bị tâm thế vào lớp Một. Trẻ được làm quen với môi trường vật chất ở trường, lớp cấp tiểu học như không gian lớp học, trường học; phòng học bộ môn, khu vui chơi, bán trú, công trình phụ trợ; đồ dùng học tập, thiết bị dạy học và phương tiện học tập.
Trẻ được làm quen với môi trường tâm lí ở trường tiểu học: cảm giác an toàn, môi trường thân thiện, được tôn trọng về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc của dân tộc mình; được tham gia học tập và các hoạt động giáo dục khác; được rèn nếp sống tự lập, tự phục vụ và sinh hoạt tập thể theo quy định của lớp, trường.
Thứ hai, hình thành các kỹ năng học tập cơ bản gồm: Kỹ năng chuẩn bị, sử dụng, bảo quản và giữ gìn đồ dùng học tập, xác định được các vị trí trên bảng con, bảng lớn cũng như trong không gian lớp học, trường học; kỹ năng sử dụng các kí hiệu, quy ước được sử dụng trong học tập, vui chơi và trong các hoạt động tập thể khác;
Kỹ năng làm việc cá nhân theo hướng dẫn của giáo viên; kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô khi gặp khó khăn trong học tập; kỹ năng ban đầu khi làm việc theo cặp, theo nhóm và tham gia các hoạt động chung của trường, lớp; kỹ năng nhận nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ được giao và tự trình bày kết quả học tập của cá nhân/nhóm với bạn bè, thầy cô ở mức độ đơn giản.
Thứ ba, hình thành và phát triển năng lực nghe - nói giúp trẻ biết sử dụng một số lời nói cơ bản trong nghi thức giao tiếp để tự giới thiệu, làm quen, hỏi và trả lời câu hỏi đơn giản.
Trẻ có thể nghe - nói trong những tình huống làm quen ban đầu và giao tiếp bằng tiếng Việt phù hợp với lứa tuổi; nghe - hiểu và nói được một số mẫu câu giao tiếp đơn giản (lời đề nghị, yêu cầu, xin phép) theo chủ đề.
Thứ tư, hình thành và phát triển năng lực đọc. Trẻ được rèn kỹ thuật đọc đúng như: cầm sách, mở sách, lật sách; giữ khoảng cách giữa mắt với sách; nhận biết bìa sách và trang sách, chữ và hình ảnh minh họa trong sách; cách đưa mắt từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, đọc theo các mức độ (to nhỏ - nhẩm - thầm); củng cố việc nhận dạng và đọc được chữ cái đơn (một âm ghi bằng một chữ) là chữ in thường, các chữ số từ 1-9.
Thứ năm, hình thành và phát triển năng lực viết giúp trẻ biết ngồi viết đúng tư thế, biết cách cầm cầm bút chì bằng 3 đầu ngón tay, biết tô chữ và chữ số trên vở ô li; biết cách xác định đường kẻ ngang, đường kẻ dọc, dòng kẻ, ô ly và điểm tọa độ khi tô chữ, chữ số...
Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học.
Thời lượng dạy học không quá 80 tiết
Dự thảo cũng nêu rõ thời lượng dạy học không quá 80 tiết học, tối đa là 1 tháng thực học trong thời gian hè (tháng 7, 8 hàng năm), trước khi trẻ học chương trình lớp Một.
Các địa phương tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian dạy và học hợp lí tùy vào điều kiện về lớp học, giáo viên, đối tượng trẻ em và điều kiện sống ở từng địa phương.
Hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một.
Căn cứ yêu cầu, mục tiêu cần đạt và kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình thực tế của lớp mình, trình Hiệu trưởng phê duyệt để thực hiện.
Ưu tiên những giáo viên có năng lực tốt, có tay nghề vững vàng, biết tiếng dân tộc và am hiểu văn hóa dân tộc tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp Một.