Trường TH & THCS Phan Thanh: Đổi mới phương pháp, chuyển biến chất lượng
Vượt lên những khó khăn của địa bàn xã đặc biệt khó khăn, Trường TH & THCS Phan Thanh (Lục Yên) đã đề ra nhiều giải pháp sát với thực tế trong dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học 2024 - 2025, Trường TH & THCS Phan Thanh có 18 lớp với 500 học sinh. Trường thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, cách trung tâm huyện gần 30 km. Địa bàn của xã rộng, địa hình có núi, đồi, sông, hồ xen kẽ nên giao thông đi lại tại một số thôn, bản còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng tới tỉ lệ chuyên cần học tập của học sinh.
Bên cạnh đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 99%, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, nhất là các phòng học chức năng, thiết bị dạy học xuống cấp hư hỏng nhiều. Nhận thức của học sinh và một số phụ huynh học sinh về giáo dục còn hạn chế nên việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng yêu cầu của xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục mũi nhọn mặc dù đạt kết quả nhưng tỉ lệ thấp, chưa đa dạng các môn.
Thầy giáo Hoàng Trung Bộ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trước những khó khăn trên, nhà trường đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số; tích cực xã hội hóa giáo dục, xây dựng quỹ khuyến học để động viên, khen thưởng những học sinh, những gia đình có con em học giỏi, chuyên cần”.
Để duy trì tỷ lệ chuyên cần, Trường đã chủ động tham mưu với UBND xã thành lập Ban vận động và cán bộ phụ trách các thôn để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, nhất là sau tết Nguyên đán hàng năm; thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, để mọi người hiểu được lợi ích của việc học tập; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác dạy và học của từng lớp...
Một giải pháp quan trọng được nhà trường áp dụng đem lại kết quả tích cực là việc phân công giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn tốt đảm nhiệm giảng dạy các lớp đầu cấp và lớp cuối cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng của học sinh... Theo đó, 100% giáo viên khi lên lớp đều chuẩn bị nội dung bài giảng chu đáo đồng thời nắm bắt năng lực học tập của từng học sinh, của từng lớp để phân loại và đổi mới phương pháp dạy học thích hợp, nhất là với học sinh yếu kém.
Cô Vi Thị Dung, giáo viên nhà trường cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, ngoài giờ lên lớp, chúng tôi thường xuyên thăm hỏi nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để kịp thời động viên, giúp đỡ các em. Đồng thời tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phân loại cho phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh trong lớp, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, xây dựng môi trường học tập thân thiện nhằm thu hút các em yêu thích đến lớp.
Theo thầy Hiệu trưởng Hoàng Trung Bộ, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn triển khai tốt nhiệm vụ năm học, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tích cực triển khai, tập huấn, bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối Internet phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành và đổi mới phương pháp dạy học; thực hiện nghiêm quy trình nghiệm thu - bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học một cách nghiêm túc, kiên quyết không để học sinh "ngồi nhầm lớp”; tập trung đầu tư cho giáo dục mũi nhọn.
Cùng với đó, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2020 đến nay đã có 6 giáo viên đi học đại học để đảm bảo trình độ chuẩn hóa theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019; nâng cao ý thức, trách nhiệm tự học và sinh hoạt chuyên môn trên mạng "Trường học kết nối”.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sát với thực tế nên chất lượng giáo dục của Trường TH&THCS Phan Thanh có nhiều chuyển biến tích cực, số học sinh khá, giỏi của nhà trường năm sau hơn năm trước. Chỉ tính riêng 2 năm học gần đây, nhà trường có 29 giải học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh, trong đó năm học 2022-2023, Trường có 1 giải Nhất môn Ngữ văn kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 98,8%. Chất lượng giáo dục đạo đức lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, kỹ năng lao động phục vụ cuộc sống, lao động tự phục vụ cho học sinh nhà trường không ngừng được nâng cao. Đó là tiền đề quan trọng để Trường TH&THCS Phan Thanh tiếp tục vượt khó, hoàn thành các mục tiêu giáo dục, phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm nay.