Đề xuất để thị trường quyết định giá xăng dầu

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn còn những tồn tại, bất cập. Những 'nút thắt' đặt ra yêu cầu bức thiết cần tháo gỡ, nhất là sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn.

Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa.

Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa.

Tại cuộc tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" được tổ chức ngày 30/7, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình cho biết, hiện việc kinh doanh xăng dầu, điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023.

Theo ông Bình, trong giai đoạn vừa qua, nhất là từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến xăng dầu có lúc tăng, giảm, nếu nghiên cứu xem xét biểu đồ về giá cả thị trường đối với mặt hàng xăng dầu thì thấy, 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu có xu hướng tăng. Từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 6, giá có chiều hướng giảm, từ nửa đầu tháng 6 đến đầu tháng 7 lại tăng liên tiếp 4 phiên điều hành. Sau đó, 3 phiên gần đây, giá có xu hướng giảm.

Có nhiều nguyên nhân tác động giá xăng dầu, nhưng một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá là do thay đổi giá xăng dầu thế giới. Khi mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá, ta thấy giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu.

Khẳng định xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất, nhưng Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh đây là mặt hàng rất nhạy cảm, thường xuyên biến động.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo ông Cường, vẫn còn một số điểm hạn chế, cần điều chỉnh. Ông Cường cho rằng thời gian tới nên để thị trường điều tiết.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định. “Nút thắt trong tất cả các nghị định trong thời gian vừa qua thì cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/l cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành. Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn”, ông Bảo nhấn mạnh đồng thời cho rằng, đối với quản lý nhà nước, trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế này. Ngoài ra, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì chúng ta sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành.

Hiện, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.

Vì sao cần ban hành Nghị định mới về quản lý xăng dầu? Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong thời gian qua vấn đề an ninh năng lượng của quốc tế nói chung cũng như của Việt Nam nói riêng đều bị tác động bởi yếu tố địa chính trị và nhiều biến động khác. Từ đó dẫn đến giá dầu thế giới diễn biến một cách hết sức phức tạp, khó lường và nó làm cho nguồn cung trở nên khan hiếm. Đồng thời nó làm cho chi phí vận tải biến động tăng cao, khó lường, thất thường... Trước tình hình biến đổi như vậy thì nhiều quy định trong các nghị định, văn bản quản lý mặt hàng xăng dầu không còn thích hợp, cần phải thay đổi. Chính vì vậy, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các bộ xây dựng một dự thảo nghị định mới. Được biết đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã tiến hành dự thảo lần thứ ba và đang trình Bộ Tư pháp để thẩm định. “Trong văn bản này tôi thấy có rất nhiều nội dung mới, những điểm mới như: công thức và cơ chế định giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu... Tôi cho rằng, việc cấp thiết hoàn thiện Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để phù hợp với tình hình biến động của thị trường xăng dầu hiện nay” - ông Long nhấn mạnh.

Có nên hình thành Sàn giao dịch xăng dầu?

Trước các bất cập của thị trường xăng dầu có nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Dưới góc độ là một chuyên gia kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, sàn giao dịch xăng dầu đối với chúng ta còn mới mặc dù chúng ta đã có một số sàn giao dịch ở các lĩnh vực khác rồi nhưng những sàn giao dịch đó có sàn phát huy được hiệu quả, có sàn èo uột, không tồn tại được.

Theo ông Long, nếu chúng ta thành lập được Sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết vì Sàn giao dịch xăng dầu về mặt lý thuyết có những lợi ích. Đối với Việt Nam nếu có sự giao dịch xăng dầu trên Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó sẽ giảm độc quyền.

Mai Lan

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-xuat-de-thi-truong-quyet-dinh-gia-xang-dau-10286902.html