Đề xuất điều chỉnh diện tích trên đất liền dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng
Theo đó, Tổ hợp Nhà đầu tư đề xuất giảm diện tích sử dụng đất cho dự án xuống còn 58,8 ha và giữ nguyên diện tích mặt nước để phù hợp với quy mô giai đoạn 1.
Chiều 17/7, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Tổ hợp nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 – 1.500MW để nghe báo cáo, cập nhật tình hình triển khai dự án.
Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021, quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án gần 54.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2027. Đến nay, dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo từ các ngành, đơn vị, địa phương liên quan, đến nay, dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng đang được triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng; đã triển khai thu hồi đất; lập hồ sơ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Trong thời gian tới, Tổ hợp Nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO) sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương tỉnh Quảng Trị để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi; đàm phán hợp đồng mua bán điện; ký thỏa thuận vay tài trợ dự án; hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình; vận hành thương mại...
Tại buổi làm việc, đại diện Tổ hợp Nhà đầu tư đã đề xuất với tỉnh Quảng Trị phương án điều chỉnh tổng mặt bằng giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở để phù hợp với quy hoạch giai đoạn 1 của dự án (1.500MW)
Theo đó, đề xuất giảm diện tích sử dụng cho dự án từ 148ha (cho 2 giai đoạn ban đầu - 4.500MW) xuống còn 58,8 ha cho giai đoạn 1 (chưa bao gồm cơ sở hạ tầng tuyến truyền tải điện) và giữ nguyên diện tích mặt nước 110,6 ha nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm quỹ đất, thuận lợi bố trí các khu chức năng của dự án.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 – 1.500 MW được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Chính vì vậy, sau khi dự án được cấp chủ trương đầu tư, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tích cực phối hợp thực hiện các thủ tục theo quy định và luôn thực hiện cam kết hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với các nội dung đã thống nhất trước đó, nhiều thủ tục đã bị chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị tổ hợp nhà đầu tư khẩn trương xây dựng báo cáo cụ thể về tiến độ triển khai như: Báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt báo cáo khả thi, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thỏa thuận vay tài trợ dự án, hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình… trong tháng 8/2023 để tỉnh có cơ sở báo cáo với Chính phủ và Bộ Công thương; đồng thời phải cam kết về thời gian để đưa dự án vào vận hành đúng với sơ đồ Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.
Theo Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng, UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất với phương án tổng mặt bằng giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở mà tổ hợp nhà đầu tư đề xuất là giảm diện tích sử dụng cho dự án còn 58,8 ha và giữ nguyên diện tích mặt nước 110,6 ha. Do vậy, đề nghị tổ hợp nhà đầu tư tích cực làm việc với các cơ quan liên quan của Bộ Công thương để có hướng dẫn, thống nhất trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, hồ sơ thu hồi đất, chuyển đổi đất rừng… đảm bảo thực hiện dự án kịp và vượt tiến độ đề ra.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chỉ đạo nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện các nội dung liên quan như hoàn thiện thủ tục chuyển đổi rừng, trồng rừng thay thế; đánh giá tác động môi trường; hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án… và phải tiến hành song song các công việc, báo cáo tiến độ định kỳ nhằm đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ, yêu cầu đã đề ra.