Đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2026

Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Dự kiến, Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Theo nội dung dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Nghị định bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đồng thời, người sử dụng lao động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo thỏa thuận cũng thuộc đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu cũng được đề cập đến trong Nghị định này.

Dự thảo Nghị định đưa ra phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động theo từng vùng địa lý.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng được đề xuất như sau: Vùng I là 5.310.000 đồng/tháng, Vùng II là 4.730.000 đồng/tháng, Vùng III là 4.140.000 đồng/tháng và Vùng IV là 3.700.000 đồng/tháng. Đối với mức lương tối thiểu theo giờ, lần lượt tương ứng là 25.500 đồng/giờ, 22.700 đồng/giờ, 19.900 đồng/giờ và 17.800 đồng/giờ.

Nguyên tắc áp dụng được quy định rõ: người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn đó.

Trường hợp doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, đơn vị hoạt động trên các địa bàn khác nhau thì từng chi nhánh sẽ áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn nơi đơn vị đó hoạt động.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất trải rộng trên nhiều vùng có mức lương tối thiểu khác nhau, thì mức cao nhất sẽ được áp dụng.

Trong trường hợp địa bàn hành chính có sự thay đổi về tên gọi hoặc được chia tách, việc áp dụng tạm thời mức lương tối thiểu sẽ căn cứ theo địa bàn trước khi có sự thay đổi, cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Với những địa bàn mới được thành lập trên cơ sở một hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, mức lương tối thiểu cao nhất trong số đó sẽ được áp dụng.

Trước đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức hai phiên họp để thảo luận và biểu quyết phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2026.

Tại phiên họp thứ hai kết thúc vào trưa ngày 11/7/2025, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết đã có 13 trên tổng số 16 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành với phương án tăng lương tối thiểu vùng.

Ông Khương nhấn mạnh rằng quá trình thảo luận đã diễn ra nghiêm túc, với nhiều tình huống và giả thiết được đưa ra nhằm bảo đảm tính khả thi và phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại.

Trên cơ sở đồng thuận cao, các thành viên Hội đồng đã thống nhất đề xuất mức tăng bình quân 7,2%, áp dụng từ ngày 1/1/2026. Đây là tỷ lệ được đánh giá là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế quốc gia, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% trong năm nay và kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số trong những năm tiếp theo.

Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 do Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Chính phủ dự kiến sẽ nâng mức lương tối thiểu trung bình thêm khoảng 300.000 đồng/tháng so với năm 2025.

Việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm đời sống của người lao động, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đồng thời tạo động lực để cải thiện năng suất lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn tới.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-dieu-chinh-muc-luong-toi-thieu-vung-tu-ngay-1-1-2026-320092.html