Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Nhà nước cần kiểm soát 'mức trần'
GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát xăng dầu ở mức giá đặc biệt và kiểm soát 'mức trần'.
Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến dự thảo lần 2 về đề xuất để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tự quyết định giá bán có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên đề xuất doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán xăng dầu. Bộ Công Thương nhấn mạnh với cơ chế hiện nay, cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố.
Tại dự thảo lần này, đã có một số thay đổi về thời gian điều hành giá. Cụ thể, dự thảo mới đưa quy định định kỳ 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân (dự thảo 1 lấy bình quân 15 ngày) và cho phép đầu mối được cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán ra thị trường.
Giá bán ra của doanh nghiệp không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức của liên bộ. Mức 7 ngày như đề xuất lần này đang giống với chu kỳ điều hành giá xăng dầu hiện nay.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án tính giá. Phương án 1, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được tính theo giá trị tuyệt đối. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít.
Phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sẽ biến đổi theo tỉ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó chi phí, lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp có thể sẽ dao động tới 20% khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.
Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.
Dự thảo Nghị định mới quy định, với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định. Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp tính toán và được phép bán giá thấp hơn giá bán tối đa quy định.
Chia sẻ với PV, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, xăng dầu là mặt hàng Nhà nước phải thống nhất quản lý giá.
“Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát ở mức giá đặc biệt, đặc biệt là kiểm soát “mức trần”. Bên cạnh đó, có cơ chế giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự cạnh tranh, tiết kiệm chi phí và đưa ra mức giá bán tốt hơn cho người tiêu dùng. Đây là sự cạnh tranh tốt nhưng phải nằm trong mức giới hạn giá trần do Nhà nước kiểm soát”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
"Tại dự thảo, nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán" - ông Long nói và cho rằng phần "cứng" thì đã có quy định, còn phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng, về cơ bản, so với giá cơ sở được công bố hằng tuần như hiện nay, việc để doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tự quyết giá bán sẽ tạo cơ chế cạnh tranh tốt hơn, giúp gia tăng áp lực buộc các doanh nghiệp đầu mối tiếp tục giảm chi phí, bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp ở cuối chuỗi giá trị, nhất là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng điều quan trọng là phải mở rộng hơn quyền lựa chọn nhập hàng của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.