Đề xuất dự án nông nghiệp 170 triệu Euro; Dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng vốn lên 6.810 tỷ đồng
Nhà đầu tư đề xuất dự án nông nghiệp 170 triệu Euro tại Quảng Trị; Tổng mức đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 chính thức tăng lên 6.810 tỷ đồng… Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Khẩn trương khắc phục tồn tại, bảo đảm tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Liên quan đến việc bảo đảm tiến độ Dự án Cảng hàng không Long Thành, tại văn bản số 7536/VPCP-CN ngày 29/9/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư các dự án thành phần và các đơn vị liên quan khắc phục các tồn tại, hạn chế, tăng cường nguồn nhân lực, năng lực quản trị... để triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan thực hiện có trách nhiệm theo đúng chức năng nhiệm vụ, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới, là dự án quan trọng quốc gia, thể hiện quyết tâm rất lớn, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam.
Giai đoạn 1 dự án đầu tư với quy mô 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm.
Đây không chỉ là sân bay lớn nhất Việt Nam, mà hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, được kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, không chỉ "chắp cánh" cho sự phát triển của ngành hàng không, mà còn đem lại những lợi ích tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả quốc gia.
Mới đây, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành và gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công vào ngày 1/9/2023.
Bịnh Định đề xuất bổ sung 2 điểm mỏ rộng hơn 50 ha phục vụ cao tốc
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, để phục vụ thi công Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2023 qua địa bàn tỉnh, địa phương đã quy hoạch 29 điểm mỏ đất với diện tích 471 ha, trữ lượng 31,7 triệu m3.
Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 2 không sử dụng các mỏ đất do UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép mà đề xuất cấp mỏ đất mới toàn bộ để thi công dự án cao tốc với tổng trữ lượng 13 triệu m3. Qua đó, các Ban đã khảo sát đối với 20 mỏ đất trữ lượng khoảng 23 triệu m3 (nhu cầu thực tế là 13,44 triệu m3).
Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã xác nhận 14 hồ sơ đăng ký tại 10 điểm mỏ với tổng trữ lượng 9,82 triệu m3 đất san lấp. Khối lượng đất còn thiếu khoảng 3,62 triệu m3 thuộc đoạn tuyến Hoài Nhơn – Quy Nhơn; hiện nay, 3 nhà thầu đang lập hồ sơ đăng ký khai thác tại 3 điểm mỏ.
Trong đó, điểm mỏ TDPC12, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký với trữ lượng 420.121 m3 đã có trong Phương án thăm dò, khảo sát khoáng sản (đã được UBND tỉnh thông qua ngày 21/6/2022).
Đối với 2 khu vực xin mở rộng gồm điểm mỏ TDPM26 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (diện tích 18,88 ha, trữ lượng đăng ký 1.501.139 m3); điểm mỏ TDTS23 tại xã Tây Bình, huyện Tây Sơn của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (diện tích 13,9 ha, trữ lượng đăng ký 1,7 triệu m3); UBND tỉnh Bình Định cho biết là chưa có trong Phương án thăm dò, khảo sát khoáng sản.
Trong đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải xin mở rộng từ 10,38 ha lên 29,28 ha; Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc xin mở rộng từ 5,7 ha lên 21,5 ha. Nội dung đề xuất của 2 tập đoàn này đã được Ban Quản lý dự án 85 thống nhất và đã bổ sung vào Hồ sơ khảo sát vật liệu 2 điểm mỏ nêu trên để nhà thầu lập hồ sơ đăng ký khai thác phục vụ thi công Dự án Cao tốc Bắc – Nam.
Do vậy, để kịp thời đăng ký mỏ vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam trong khi chờ Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt; UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về việc bổ sung 2 khu vực mỏ nêu trên vào Quy hoạch tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Định, điều này là để làm cơ sở cấp giấy đăng ký xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường theo theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về việc bổ sung 2 khu vực mỏ nêu trên vào Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để phục vụ thi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam để làm cơ sở cấp giấy xác nhận những nội dung như trên.
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc sẽ đưa vào khai thác trong năm 2024
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 31/8/2018 với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 19 khoang cống, 4 tràn piano, 2 đường cá đi, cầu giao thông 974m, đường trên đảo Ngọc 320m.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện dự án, khởi công xây dựng công trình từ tháng 7/2019. Đến nay, công trình đã hành thành được 86% giá trị hợp đồng (tính đến ngày 26/9/2023).
Trong đó, phía bờ Bắc đã cơ bản hoàn thành phần thủy lợi và cầu giao thông kết nối tuyến đường Hoàng Sa đến trụ T8B (còn vướng mặt bằng khoang 8B và khoang tràn piano số 2 nên chưa kết nối với đảo Ngọc); phía bờ Nam đã cơ bản hoàn thành các hạng mục thủy lợi, cầu giao thông, đảm bảo kết nối với đảo Ngọc với đường Trường Sa.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện toàn bộ phần cầu giao thông phía bờ Nam kết nối đảo Ngọc với tuyến đường Trường Sa phục vụ nhu cầu đi lại thiết yếu của người dân trên đảo Ngọc trong mùa mưa bão và sẽ hoàn thành toàn bộ công trình, đưa vào khai thác trong năm 2024.
Trước đó, vào tháng 8/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện công trình có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Trong lúc chờ khắc phục vi phạm, Quảng Ngãi lại gặp khó khăn về ngân sách, cùng với dịch Covid-19 nên phải tạm dừng thi công.
Trong đó, nổi cộm nhất là việc tỉnh Quảng Ngãi chi 200 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương cho dự án là trái với quy định Chính phủ, vì Trung ương bố trí số tiền này chỉ ưu tiên cho những dự án cấp bách, trong khi đập dâng sông Trà Khúc là dự án đầu tư trung hạn.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận công trình này có nhiều vi phạm, như: chưa phù hợp quy hoạch chung TP. Quảng Ngãi; khi quyết định phê duyệt chủ trương dự án, chưa phù hợp với quy hoạch thủy lợi, chưa phù hợp với quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch tài nguyên nước; chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và không cân đối được nguồn vốn.
Tại báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội liên tục trích dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về dự án này. Theo đó, Dự án đập dâng sông Trà Khúc bị “điểm danh” vì điều chỉnh vốn lớn, quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác.
Cụ thể, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 lần từ 60,648 tỷ đồng lên 1.498 tỷ đồng (gấp hơn 24 lần).
Dự án Mở rộng, nâng cấp Khu du lịch thác Prenn tăng vốn lên gấp 3 lần
Sở tài chính tỉnh Lâm Đồng vừa thẩm định năng lực tài chính của Dự án Mở rộng, nâng cấp Khu du lịch thác Prenn của Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt khi đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 267,6 tỷ đồng thành 820 tỷ đồng.
Trước đó, tại văn bản số 2150/STC-ĐT ngày 25/8/2023, Sở Tài chính có nhận xét, về năng lực tài chính theo các hồ sơ, tài liệu của Công ty tại thời điểm xem xét là chưa đảm bảo điều kiện về khả năng huy động vốn để thực hiện điều chỉnh Dự án Mở rộng, nâng cấp khu du lịch thác Prenn.
Lý do là do đơn vị chưa cung cấp đủ hồ sơ nên Sở Tài chính chưa có cơ sở để thẩm định và có ý kiến về năng lực tài chính thực hiện dự án.
Tuy nhiên, sau đó, hồ sơ bổ sung Sở Tài chính mà nhận được có Thông báo số 170 ngày 20/8/2023 của ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Lâm Đồng về việc cấp tín dụng đối với khách hàng Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt (bản sao).
Trong đó, Ngân hàng này chấp thuận cấp hạn mức 675,6 tỷ đồng để Công ty bổ sung vốn đầu tư Dự án Khu du lịch Thác Prenn với các điều kiện kèm theo.
Như vậy, đến thời điểm xem xét, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Đà Lạt có khả năng huy động vốn để thực hiện điều chỉnh Dự án Mở rộng, nâng cấp khu du lịch thác Prenn.
Sở Tài chính đề nghị Công ty cam kết sử dụng vốn cho việc điều chỉnh, mở rộng dự án nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan sử dụng hồ sơ, tài liệu về tính chính xác và pháp lý của hồ sơ, tài liệu đã cung cấp.
Quảng Ngãi có 6 nhà tài trợ nước ngoài cấp vốn ODA thực hiện 12 dự án
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đánh giá giữa kỳ Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà đầu tưnước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Quảng Ngãi có 12 dự án ODA triển khai (gồm 8 dự án chuyển tiếp).
Trong đó, 3 dự án đã quyết toán hoàn thành trong năm 2022, gồm Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020; Dự án Giáo dục trung học khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2.
2 dự án đang hoàn thiện thủ tục quyết toán gồm Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Xây dựng tuyến đề biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
3 dự án đang triển khai thực hiện, gồm Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - Dự án thành phần tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, 2 dự án khởi công mới, gồm Dự án Hiện đại hóa thủy lợi nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Quảng Ngãi.
2 dự án chuẩn bị đầu tư gồm Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số; Dự án Xây dựng phát triển hạ tầng đô thị TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Nguồn vốn ODA của tỉnh trong giai đoạn này được cung cấp bởi 6 nhà tài trợ gồm WB, ADB, JICA, KOICA, EU, SP-RCC. Tổng vốn nước ngoài là 446,577 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương cấp phát cho các dự án là 305,137 tỷ đồng, vốn tỉnh vay lại là 141,44 tỷ đồng. Các dự án ODA của tỉnh tập trung trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị…
Ngoài ra, tỉnh có 3 dự án đang trong giai đoạn vận động và hoàn thiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án, gồm Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi; Dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Quảng Ngãi.
Thực hiện Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký thỏa thuận về vốn viện trợ không hoàn lại với KOICA (đại diện là UNDP) trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển sinh kế với tổng vốn viện trợ 90,992 tỷ đồng (từ năm 2023 - 2026).
Cùng với đó, Dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ngãi (ADB9) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 với tổng mức đầu tư là 553.998 triệu đồng (trong đó vốn vay ADB là 441.684 triệu đồng, vốn đối ứng là 105.348 triệu đồng, vốn vay không hoàn lại là 6.966 triệu đồng).
Theo đánh giá của UBND tỉnh, với nguồn vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương và vốn địa phương vay lại ODA kể trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của tỉnh; tạo công ăn việc làm cho người dân thông qua đào tạo nghề, lập quỹ tín dụng, làm mô hình.
Các dự án trên khi đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân phát triển sinh kế, góp phần cải thiện môi trường sống và bảo vệ môi trường sinh thái.
Khoảng 40% phương tiện chuyển sang 2 cao tốc qua Khánh Hòa khi dự án hoàn thành
Liên quan đến ý kiến của cử tri xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh về đề nghị đầu tư mở rộng tuyến tránh Diên Khánh, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Bộ GTVT đang tập trung nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong đó qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có các Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang, Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 132km.
Sau khi đưa vào khai thác, theo tính toán, khoảng 40% phương tiện sẽ chuyển sang cao tốc. Do đó, tình trạng ùn tắc trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Diên Khánh sẽ cải thiện.
Để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư này, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Khánh Hòa đồng thuận chưa xem xét đầu tư mở rộng tuyến tránh Diên Khánh.
Trước mắt, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, làm việc với Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa để rà soát, đánh giá cụ thể, đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn, thông suốt trên tuyến.
Theo UBND tỉnh, Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác tạm từ ngày 19/5/2023 đã góp phần giảm một phần lưu lượng các phương tiện xe ô tô đi qua tuyến tránh Quốc lộ 1A trên địa bàn xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét việc đầu tư mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh Hòa thời điểm thích hợp.
Dự án Thủy điện Đăkđrinh 2 chưa phù hợp Quy hoạch vùng huyện Sơn Hà
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi vừa có ý kiến về hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Thủy điện Đăkđrinh 2. Theo đó, Sở Xây dựng cho hay, theo hồ sơ đề nghị của Công ty cổ phần năng lượng Quảng Ngãi, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh một số nội dung của Dự án Thủy điện Đăkđrinh 2 (đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 11/10/2017 và điều chỉnh lần 1 tại Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 12/7/2022).
Cụ thể, diện tích sử dụng đất tăng từ 58,65ha lên 62,77ha; địa điểm thực hiện tại xã Sơn Bao, thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) và xã Sơn Tân (huyện Sơn Tây); điều chỉnh thời gian thực hiện đến tháng 12/2025.
Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Hà (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 25/8/2020) có định hướng quy hoạch 1 nhà máy Thủy điện Đăkđrinh 2 công suất 17MW.
Tuy vậy, Dự án Thủy điện Đăkđrinh 2 (tại xã Sơn Bao, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà và xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây) có công suất 21MW là chưa phù hợp với Quy hoạch vùng huyện Sơn Hà đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh công suất Dự án Thủy điện Đăkđrinh 2 đã được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh (tại Quyết định số 229/QĐ-BCT ngày 22/2/2022) và UBND tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh lần 1 (tại Quyết định số 764/QĐ-UBND ngày 12/7/2022).
Do đó, Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty cổ phần năng lượng Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Sơn Hà thực hiện các thủ tục điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Hà theo quy định, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với nội dung đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện của dự án, Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát thời gian đề nghị gia hạn đảm bảo theo quy định, đánh giá tổng quan về hiệu quả của dự án, yêu cầu chủ đầu tư làm rõ quá trình triển khai thực hiện, nguyên nhân chậm tiến độ, trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc phối hợp giải quyết các vướng mắc của dự án.
Ngoài ra, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện không thể hiện cụ thể, chi tiết vị trí, diện tích và phạm vi ranh giới của Nhà máy thủy điện. Do vậy, Sở Xây dựng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến UBND các huyện: Sơn Hà và Sơn Tây để kiểm tra, rà soát sự phù hợp của các nội dung đề xuất điều chỉnh với Đồ án Quy hoạch chung thị trấn Di Lăng, Quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới các xã: Sơn Bao (huyện Sơn Hà) và Sơn Tân (huyện Sơn Tây).
Bộ Giao thông Vận tải thông tin về việc triển khai Tổ hợp ga đường sắt Ngọc Hồi - Hà Nội
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội để thông tin về tiến độ triển khai Tổ hợp ga Ngọc Hồi và Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Thủ đô Hà Nội từ Ngọc Hồi đến Yên Viên.
Theo Bộ GTVT, Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên có mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt xuyên tâm, đáp ứng chức năng đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2004 và được Bộ GTVT đã phê duyệt dự án giai đoạn 1 vào năm 2008 và thực hiện điều chỉnh dự án vào năm 2017 (bao gồm khu tổ hợp ga Ngọc Hồi).
Trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch thực hiện của địa phương, Bộ GTVT đã bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện công tác GPMB trong các giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên), Khu tổ hợp ga Ngọc Hồi đã được địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 130 ha đất với tổng giá trị giải ngân 1.097 tỷ đồng.
Triển khai Luật quy hoạch năm 2017, Bộ GTVT đã tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021.
Trong đó, đường sắt quốc gia qua TP. Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông và vành đai phía Tây (không đi vào trung tâm TP. Hà Nội); các đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác.
Tại Quyết định số 1769, Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đi Ngọc Hồi.
Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20505 , Bộ GTVT đang triển khai lập quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành), trong đó có Tổ hợp ga Ngọc Hồi.
Tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ có chức năng tích hợp vận tải đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt quốc gia thông thường (đường sắt Bắc - Nam hiện có và đường sắt vành đai phía Đông, phía Tây trong tương lai) và các tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi; tuyến số 6, Nội Bài - Ngọc Hồi).
Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện báo cáo đầu kỳ và đang làm việc, lấy ý kiến của TP. Hà Nội để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt vành đai phía Đông và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. UBND TP. Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ để nghiên cứu triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt đô thị số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.
“Việc tiếp tục bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng Tổ hợp ga Ngọc Hồi và tiếp nhận diện tích đất đã GPMB để đưa vào đầu tư sẽ được Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội sẽ thực hiện ngay sau khi các quy hoạch và dự án có liên quan được phê duyệt”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Đối với phần mặt bằng đã được giải phóng, trước mắt, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội quản lý để tránh tái lấn chiếm, đồng thời xây dựng phương án khai thác theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Liên quan đến Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Thủ đô Hà Nội từ Ngọc Hồi đến Yên Viên, Bộ GTVT cho biết là đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu của dự án đã nghiên cứu trước đây cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hà Nội để tiếp tục thực hiện.
Tuyến metro số 1 Hà Nội được Bộ GTVT nghiên cứu rất sớm, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, đã phải trải qua khá nhiều lần tách nhập và điều chỉnh. Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn.
Từ năm 2004 đến nay, Dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Tại thời điểm hiện tại, tuyến metro số 1 Hà Nội gồm các dự án thành phần: Giai đoạn I điều chỉnh; Giai đoạn IIA điều chỉnh và Giai đoạn IIB. Trong lần điều chỉnh gần nhất, Dự án giai đoạn I điều chỉnh sẽ chỉ tập trung đầu tư xây dựng Khu tổ hợp Ngọc Hồi để đảm bảo hoạt động đồng bộ khi thực hiện di dời cơ sở hạ tầng đường sắt tại ga Hà Nội và ga Giáp Bát ra Ngọc Hồi…
Nhà đầu tư đề xuất dự án nông nghiệp 170 triệu Euro tại Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ (TNHH TM&DV) Nguyên Chí Công Nghệ vừa có đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị về việc đầu tư nông trường trồng và chế biến nông sản hữu cơ tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh và vùng sản xuất tôm hữu cơ công nghệ cao tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Toàn bộ Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 170 triệu Euro, thời hạn dự án là 40 năm.
Đối với nông trường trồng nông sản hữu cơ, doanh nghiệp dự kiến đầu tư với quy mô 450 ha, gồm 150 ha tập trung vùng lúa gạo và 300ha rải rác trồng hoa màu theo phương thức hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel.
Các loại cây trồng dự kiến gồm: đậu nành, hoa hướng dương, lạc, bắp ngọt, khoai lang, dứa, dừa và giống gạo đỏ Quảng Điền trồng trong nước lợ, đất nhiễm mặn. Nông sản thu hoạch được chế biến thành phẩm dùng trong thương mại, sản xuất thức ăn nuôi tôm và thức ăn gia súc.
Đối với vùng sản xuất tôm hữu cơ công nghệ cao sẽ gồm chuỗi 3 dây chuyền khép kín từ sản xuất thức ăn nuôi tôm, hồ nuôi tôm tuần hoàn công nghệ cao, nhà máy chế biến thành phẩm với công suất 2.000 tấn tôm hữu cơ/năm. Diện tích dự kiến 25 ha tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.
Công ty TNHH TM&DV Nguyên Chí Công Nghệ cam kết, nếu được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương nghiên cứu đầu tư trong tháng 11/2023, công ty sẽ khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi động dự án vào tháng 3/2024 và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2026.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty TNHH TM&DV Nguyên Chí Công Nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án.
Trong đó, đối với đề xuất nông trường trồng cây hữu cơ tại huyện Gio Linh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị doanh nghiệp cần khảo sát theo hướng liên doanh, liên kết với người dân tại vùng dự án.
Đối với khu thủy hải sản hữu cơ tại huyện Vĩnh Linh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh rà soát lại diện tích theo đề xuất của nhà đầu tư do đây là diện tích thuộc diện Nhà nước cho thuê đất. Đồng thời, giao các sở ngành, địa phương liên quan phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi sát, đúng với thực tế, có tính khả thi cao.
Được biết, Công ty TNHH TM&DV Nguyên Chí Công Nghệ được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 11/3/2022, do bà Trương Thị Phượng làm đại diện pháp luật.
Doanh nghiệp có địa chỉ tại 14/24 Đào Duy Anh, Phường 09, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, với các ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn tổng hợp, bán buôn gạo và thực phẩm, trồng lúa, trồng ngô và cây lương thực có hạt khác, trồng cây lấy củ có chất bột, trồng cây mía, trồng cây có hạt dầu, trồng cây hàng năm và cây ăn quả…
Tổng mức đầu tư Dự án cầu Rạch Miễu 2 chính thức tăng lên 6.810 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1219/QĐ – BGTVT phê duyệt điều chỉnh Dự ánđầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Cụ thể, Bộ GTVT điều chỉnh 3 nội dung tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021 về việc về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Nội dung điều chỉnh đầu tiên là việc tổng mức đầu tư Dự án là 6.810,11 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng phí) là 2.669,57 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 3.175,13 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 26 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 170,3 tỷ đồng; chi phí khác là 108,84 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 660,27 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư Dự án tăng khoảng 1.634,98 tỷ đồng, trong đó khoản tăng lớn nhất là chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 1.390,22 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt.
Nội dung điều chỉnh thứ hai là thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 đến năm 2026 thay vì từ 2021 đến 2025 như kế hoạch trước đó.
Nội dung điều chỉnh thứ ba liên quan đến nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện Dự án. Cụ thể, nguồn vốn Ngân sách trung ương trong giai đoạn năm 2021 - 2025 dự kiến bố trí khoảng 5.591,98 tỷ đồng (gồm vốn được giao trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ là 4.399 tỷ đồng; vốn cân đối bổ sung từ điều hòa, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT là 1.192,98 tỷ đồng). Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí khoảng 1.218,13 tỷ đồng.
Dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện cũng có sự thay đổi, trong đó năm 2021, 2022 đã được bố trí: 1.131,27 tỷ đồng; năm 2023: 2.454,48 tỷ đồng, năm 2024: 1.240,89 tỷ đồng, năm 2025: 765,34 tỷ đồng, năm 2026: 1.218,13 tỷ đồng.
Các nội dung khác vẫn sẽ giữ nguyên theo Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Chủ đầu tư và các nội dung được phân cấp, ủy quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT trong quá trình quản lý, thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
Cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu. Công trình dài 17,6 km, có điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc địa phần huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối dự án tại khoảng Km16+660 Quốc lộ 60, cách mố phía Bắc cầu Hàm Luông khoảng 0,71 km, thuộc địa phận TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Cầu chính vượt sông Tiền có kết cấu dây văng, dài gần 2km, rộng 21,5m, 4 làn xe, thiết kế cho thời gian khai thác 100 năm; đoạn cầu vượt sông Mỹ Tho là cầu đúc hẫng, dài 456 m, 4 làn xe, riêng đường dẫn trên tuyến có 4 làn dành cho ô tô, 2 làn hỗn hợp, vận tốc 80 km/h.
Dự án được chia thành 6 gói thầu xây lắp, gói thầu xây lắp đầu tiên khởi công ngày 27/8/2022. Đến nay cả 6 gói thầu xây đang đồng loạt thi công với khối lượng thực hiện 959,38/3.302,88 tỷ đồng, đạt khoảng 29% giá trị hợp đồng đã ký.
Trong số các gói thầy xây lắp của Dự án, Gói thầu XL-02 cầu chính dây văng là đường găng của dự án có thời gian thi công theo hợp đồng là 34 tháng, khởi công tháng 3/2023 và hoàn thành tháng 12/2025. Sau khi hoàn thành các gói thầu xây lắp cần phải tiếp tục triển khai gói thầu kiểm toán và hoàn thành các thủ tục nghiệm thu, bàn giao, quyết toán công trình.
Do đó, để phù hợp với điều kiện thực tế triển khai, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án vào năm 2026.
Ninh Thuận tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo
Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước đạt 4.570,9 tỷ đồng tăng 13,8%; đóng góp 3,08% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện đóng vai trò quan trọng khi đạt 3.404 tỷ đồng, tăng 14,1%, đóng góp tăng trưởng 2,36% GRDP.
Theo Sở Công thương, cũng trong thời gian này, Ninh Thuận có 5 Dự án năng lượng chuyển tiếp được nối lưới vận hành thương mại (tổng công suất 405 MW).
Ngoài ra, ngày 20/9/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã khởi công Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 (công suất 100 MW) và Dự án Điện mặt trời Phước Thái 3 (công suất 50 MW) tại huyện Ninh Phước. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 4.209 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024, bổ sung sản lượng điện hàng năm trên 247 triệu kWh.
Sở Công thương cũng cho hay, trong 3 tháng còn lại sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng đang triển khai và hạ tầng truyền tải điện.
Cụ thể, Sở sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công đối với đường dây 110kV; tham mưu UBND tỉnh xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng các công trình lưới điện 110kV trên địa bàn; thúc đẩy Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 1.4 (công suất 100 MW) vận hành thương mại cuối tháng 10/2023.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng xúc tiến thu hút đầu tư các dự án năng lượng về điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tự tiêu, thủy điện tích năng Phước Hòa, Bác Ái.
Được biết, tính đến ngày 4/10/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió với công suất 890,75 MW; tổng vốn đầu tư hơn 34 nghìn tỷ đồng; trong đó có 11 dự án vận hành thương mại với công suất 666,75 MW.
Ngoài ra, 37 dự án điện mặt trời được chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất khoảng 2.576 MW, tổng vốn đầu tư hơn 68 nghìn tỷ đồng; trong đó có 34 dự án đã vận hành thương mại với công suất khoảng 2.376 MW.
Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang gặp khó khăn do chưa có kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; chưa có cơ chế giá mới; chưa có hướng dẫn pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, một số dự án chế biến, chế tạo còn chậm được triển khai; một số dự án vướng mắc, chồng lấn giữa các quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng…
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đang gặp phải, ngày 4/10/2023, ông Phan Tấn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề nghị các Sở, ngành liên quan cần lập các Tổ công tác, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để trao đổi, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng thời, điều này cũng giúp cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Căng thẳng nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Đây là một trong những thông tin được đề cập trong Báo cáo số 492/BC – CP vừa được Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 60/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Với quy mô xây dựng lên tới 188 km, với 4 làn xe nên tổng nhu cầu vật liệu đắp thông thường cho Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là rất lớn, trong đó cát đắp cần khoảng 31,3 triệu m3, đất đắp khoảng 2,7 triệu m3.
“Hiện nay, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu... Chỉ tính riêng các dự án cao tốc đang triển khai trong khu vực, nhu cầu vật liệu cần khoảng gần 56 triệu m3 cát, gần 10 triệu m3 đá, chưa kể các công trình, dự án của địa phương khác triển khai cùng thời điểm”, báo cáo của Chính phủ thông tin.
Tại tỉnh An Giang, nguồn cát tại địa phương này đủ trữ lượng, đáp ứng nhu cầu cho dự án thành phần 1 (khoảng 9,3 triệu m3). Tuy nhiên, hiện nay trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng nên nguồn cát tại An Giang phải điều phối để thực hiện đồng thời các dự án trọng điểm trong khu vực, ảnh hưởng đến trữ lượng cung cấp để thực hiện Dự án.
Trong khi đó, tại TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, nguồn cát tại 2 địa phương này không đáp ứng nhu cầu cho Dự án thành phần 2 và 3 (khoảng 14 triệu m3).
Tỉnh An Giang đã thống nhất cung cấp cho tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ khoảng 7,5 triệu m3 từ mỏ Bình Phước Xuân và một số mỏ được quy hoạch trên sông Hậu, đáp ứng khoảng 53% nhu cầu thực hiện 2 dự án thành phần nhưng để có thể khai thác cát tại các mỏ này cần phải thực hiện các thủ tục thăm dò và đánh giá tác động môi trường.
Vào giữa tháng 7/2023, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND quyết định biện pháp quản lý, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án thành phần 4 (bao gồm 7 mỏ, tổng trữ lượng khoảng 17 triệu m3).
Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 mỏ trong quy hoạch, sau khi được khai thác sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, trong khi chờ hoàn thành thủ tục, chủ đầu tư chưa có phương án cụ thể về nguồn cát thực hiện gói thầu đã khởi công.
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế đặc thù về cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội chỉ được áp dụng trong 2 năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên Dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022, cần tối thiểu 1 năm để chuẩn bị và khởi công Dự án nên việc giao mỏ cho nhà thầu theo cơ chế chỉ còn khoảng 6 tháng để thực hiện.
Tại Báo cáo số 492/BC – CP, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/2/2022) đến hết năm 2024 do Dự án đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp nền.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 bao gồm 4 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh An Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 57 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 do UBND TP. Cần Thơ làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 37,4 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 36,7 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 do UBND tỉnh Sóc Trăng làm cơ quan chủ quản, chiều dài khoảng 58,4 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng. Hiện Dự án đã khởi công 4/14 gói thầu (mỗi dự án thành phần khởi công 1 gói thầu ngày 17/6/2023).
Theo đánh giá của Chính phủ, công tác triển khai thi công, giải ngân của các dự án thành phần còn chậm so với kế hoạch đề ra; các gói thầu đã khởi công chủ yếu chỉ triển khai xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực, thi công bóc hữu cơ và xây dựng đường công vụ; công tác giải ngân các dự án thành phần chủ yếu tập trung vào hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạm ứng hợp đồng.
Chốt phương án quản tài sản tỷ USD hạ tầng đường sắt quốc gia
Sau đúng một năm tham vấn, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các đơn vị liên quan, đầu tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Tờ trình số 10865/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem xét, phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đây đã là lần thứ 6 kể từ tháng 6/2019, Đề án được Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền nhằm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng khối tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng này.
Có hai nội dung quan trọng tại Đề án được Bộ GTVT xây dựng suốt 4 năm qua, gồm: việc giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với việc giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đề xuất của Bộ GTVT tại Tờ trình số 10865/TTr-BGTVT cơ bản giữ nguyên phương án được đệ trình cấp có thẩm quyền hồi tháng 5/2022.
Cụ thể, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2030.
Sau khi Đề án được phê duyệt, giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; nghiên cứu xác định những tài sản phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Đối với cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị giao Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
Cục Đường sắt Việt Nam đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công tác quản lý sửa chữa định kỳ công trình, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác đối với một số nhiệm vụ của chủ đầu tư. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình.
Cần phải nói thêm, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2018, việc xác định đơn vị được giao vốn bảo trì đường sắt (khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng) liên tục bị đình trệ sau khi Bộ tài chínhcho rằng, giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam như các năm 2019 là không phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách nhà nước và khoản 1, Điều 31, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP. Lý do được đưa ra là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không phải hộ ngân sách trực thuộc Bộ GTVT.
Do các vướng mắc trên, việc giao dự toán và ký kết các hợp đồng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt các năm 2020, 2021 thường chỉ có thể được thực hiện vào quý II, sau khi Chính phủ ra Nghị quyết gỡ khó tạm thời, gây khó khăn cho tất cả bên liên quan, thay vì triển khai ngay từ đầu năm.
Liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trong quá trình xây dựng Đề án, Bộ GTVT đã cân nhắc 3 phương án.
Trong đó, phương án 1 là việc Chính phủ thống nhất giao Bộ GTVT (Cục Đường sắt Việt Nam) đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Với các công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2, kiểm định, quan trắc và các công tác khác, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là tư vấn quản lý Dự án công tác sửa chữa định kỳ; công tác tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.
Phương án 2 là phương án đề xuất tại Tờ trình số 10865/TTr-BGTVT. Trong phương án 3, Bộ GTVT giao dự toán để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, phương án 1 và phương án 2 về cơ bản có cách thức triển khai gần tương tự nhau, chỉ khác phương án chỉ định Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là tư vấn quản lý dự án (phương án 1) thay bằng đặt hàng công tác quản lý sửa chữa định kỳ công trình đường sắt thực hiện một số nhiệm vụ của chủ đầu tư (phương án 2). Cả hai phương án này đều có những ưu, nhược điểm nhất định và cũng không thể đáp ứng tất cả các quy định pháp luật về đường sắt, quản lý đầu tư và quản lý tài sản công.
Đối với phương án 3, Bộ GTVT cho biết, cần sửa một số quy định của pháp luật, cũng như đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và tính khả thi không cao trong việc sửa đổi quy định pháp luật theo hướng trên. Do đó, sẽ dẫn đến chậm phê duyệt Đề án, cũng như chưa thể áp dụng thực hiện đối với công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho năm 2024 và các năm về sau.
“Để đảm bảo tiến độ của Đề án sớm được phê duyệt, việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật ít nhất, theo quy định của pháp luật, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn phương án 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 6089/VPCP ngày 15/9/2022 và ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Thêm 3 dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai
Ngày 5/10, UBND tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gồm: Dự án Công ty TNHH Kingfa Science & Technology (Trung Quốc); Dự án Nhà máy của Công ty TNHH Wave Crest Việt Nam và Dự án Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án là 210 triệu USD
Các dự án này đầu tư tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành và Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành.
Phát biểu tại buổi lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bà Nguyễn Thị Hoàng cho biết, 3 dự án trên thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, tỉnh Đồng Nai trao giấy phép tăng vốn đầu tư cho 5 dự án FDI với tổng vốn tăng hơn 370 triệu USD. Đến giữa tháng 7/2023, tỉnh tiếp tục trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án FDI nữa với tổng số vốn đầu tư 30 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai đã thu hút đầu tư FDI đạt hơn 623,2 triệu USD, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cấp mới 33 dự án với tổng vốn đăng ký gần 109 triệu USD và 44 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung hơn 514 triệu USD.
Riêng trong quý III/2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 16 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 113 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 28 lượt dự án với tổng vốn tăng gần 170 triệu USD.
Petrovietnam chính thức trở thành chủ đầu tư hai dự án Nhiệt điện Ô Môn III và IV
Theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND và 2094/QĐ-UBND của UBND TP. Cần Thơ, chủ đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn III và Dự án Nhiệt điện Ô Môn IV đã chính thức được chuyển từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sang Tập đoàn Dầu khí Việt nam (Petrovietnam).
EVN có trách nhiệm thực hiện chuyển giao dự án, phối hợp với Petrovietnam trong việc thực hiện các thủ tục thay đổi chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Petrovietnam có trách nhiệm thừa kế và tiếp tục triển khai thực hiện Dự án NNhà máy nhiệt điện Ô Môn III và Nhiệt điện Ô Môn IV theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định số 183/QĐ-TTg ngày 15/12/2019, đảm bảo tiến độ, năng lực thực hiện, hiệu quả và lợi ích quốc gia theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 77/TTg-CN ngày 24/6/2023.
Petrovietnam cũng có trách nhiệm thực hiện việc chuyển chủ đầu tư đảm bảo trình tự, thủ tục theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư; đất đai, xây dựng, quản lý sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Petrovietnam cũng được yêu cầu thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan trong trường hợp phát sinh các thủ tục bắt buộc phải thực hiện để điều chỉnh dự án.
EVN và Petrovietnam cũng chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan.
UBND TP. Cần Thơ không chịu trách nhiệm liên quan đến việc chuyển giao tài sản ngân sách khi thực hiện chuyển chủ đầu tư.