Đề xuất dừng chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện

Bộ Tài chính đề xuất dừng triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc triển khai BHXH tự nguyện đã được nêu rõ trong Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH.

Trong văn bản vừa gửi đến Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu xây dựng và thiết lập cơ chế chính sách cho bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc do Nhà nước quản lý, để thay thế bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đang triển khai hiện nay.

Tập trung vào BHXH bắt buộc

Theo Bộ Tài chính, tại buổi lấy ý kiến đối với dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM vừa qua, một số chuyên gia đề xuất sửa đổi Luật BHXH theo hướng phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc thay vì hưu trí bổ sung tự nguyện.

Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc là những người có thu nhập cao hơn mức trung bình so với quy định hiện hành. Mức lương tháng làm căn cứ đóng tối đa BHXH bắt buộc không được quá 20 lần tháng lương cơ sở (từ ngày 1-7-2023 là 36 triệu đồng).

Cơ sở đưa ra đề xuất trên là do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp. Để hiệu quả trong chính sách BHXH, không nên duy trì đồng thời bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc và tự nguyện vì sẽ làm phân tán nguồn lực.

 Bộ Tài chính đề xuất dừng triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Bộ Tài chính đề xuất dừng triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc. Ảnh minh họa: HUỲNH DU

Cạnh đó, Luật BHXH năm 2014 quy định bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc. Cơ chế là tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định.

Loại hình BHXH hưu trí bổ sung tự nguyện được quy định lần đầu trong Luật BHXH năm 2014 và áp dụng từ năm 2017. Hiện Bộ Tài chính đã cấp phép cung cấp dịch quản lý Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện cho bốn công ty quản lý quỹ.

Mức đóng, tần suất đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Mức hưởng trên cơ sở số tiền đóng góp và hiệu quả từ đầu tư quỹ. Theo đó, Luật BHXH hiện chỉ mới có quy định về Quỹ Hưu trí bổ sung tự nguyện, mà chưa có quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc.

Ngoài ra, hiện ý thức thực thi pháp luật của các chủ thể trên thị trường vốn, thị trường tài chính không cao. Tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp “ma”, tăng vốn “ảo”, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế tinh vi, phức tạp.

Sửa luật theo tinh thần Nghị quyết 28

Với các lý do trên, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt dừng triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện để tập trung phát triển hưu trí bổ sung bắt buộc.

Trong thời gian tới, căn cứ vào sự phát triển của thị trường tài chính, mức thu nhập bình quân của NLĐ và kết quả triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc sẽ nghiên cứu việc tiếp tục triển khai hưu trí bổ sung tự nguyện phù hợp.

Bộ này cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật BHXH để quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc. Đồng thời bổ sung một điều tại luật quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc gồm: Đối tượng tham gia, cơ chế đóng góp, chi trả, cách thức quản lý, đầu tư…

“Song song đó, chính sách trên phải có cơ chế chuyển tiếp theo hướng khuyến khích người tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện trước đó được chuyển sang hưu trí bổ sung bắt buộc, hoặc nhận chi trả theo quy định, đảm bảo quyền lợi của NLĐ…” - Bộ Tài chính gợi ý.

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về đề xuất trên, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết khi xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bộ đã khảo sát tinh thần, định hướng Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH.

Theo đó, chính sách BHXH được xác định rất rõ là xây dựng hệ thống an sinh theo hướng đa tầng. Đó là tầng trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản (bắt buộc) và bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Nghị quyết 28 cũng xác định rõ bảo hiểm hưu trí bổ sung là hình thức hưu trí tự nguyện và hoạt động theo cơ chế thị trường. “Điều này đã được thể hiện trong Luật BHXH 2014 và trong dự thảo Luật BHXH vừa trình Quốc hội cho ý kiến. Chúng tôi đang thiết kế, kế thừa theo tinh thần ấy” - ông Cường nói.

Số người tham gia BHXH tự nguyện liên tục tăng

Năm 2022, số người tham gia BHXH của cả nước là 17,5 triệu người, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tỉ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đạt 3,18% lực lượng lao động với hơn 1,4 triệu người tham gia, vượt 0,68% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2025 tại Nghị quyết 28. Đến tháng 9-2023, số người tham gia BHXH ước tính tăng 8.000 người so với năm 2022. (Nguồn: BHXH Việt Nam)

VIẾT LONG - THANH TÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-dung-chinh-sach-huu-tri-bo-sung-tu-nguyen-post761550.html