Đề xuất ghép gen voi đực Đắk Lắk với voi cái của nước khác để nhân giống, bảo tồn
Trong suốt hơn 30 năm qua, không chú voi con nào được sinh ra tại Đắk Lắk, đồng thời số lượng đàn voi lớn cũng suy giảm đáng kể qua từng năm. Vì vậy, nếu không thực hiện ngay các giải pháp bảo tồn và phát triển đàn thì nguy cơ giống voi nhà thuần chủng Đắk Lắk sẽ chỉ còn lại trong sử sách trong một tương lai không xa.
Vườn Quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 113.0 ha và là môi trường sống nguyên thủy của loài voi nhà Đắk Lắk. Hiện tại, vườn đang có 10 con voi được Nhà nước và các tổ chức quốc tế đưa về sau hàng chục năm phải phục vụ cho các thú vui của con người. Được tháo bỏ cồng xích về với thiên nhiên rộng lớn, lại được theo dõi chăm sóc y tế nên những con voi có độ tuổi trung bình hơn 40 năm này dần lấy lại sức sống và bản tính tự nhiên oai dũng vốn có.
Trong khoảng 40 năm, đàn voi nhà Đắk Lắk đã suy giảm nghiêm trọng từ hơn 500 con nay chỉ còn 36 con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như số lượng voi hoang dã bị suy giảm do mất môi trường sống, nhiều năm voi cái được săn bắt thuần dưỡng chỉ nhằm khai thác du lịch quá mức dẫn đến già cỗi, kiệt sức không còn khả năng sinh sản nên suốt 30 năm qua tại Đắk Lắk không có voi con nào được sinh ra từ đàn voi nhà dù có nhiều nỗ lực can thiệp hỗ trợ của con người. Vì vậy, việc trước mắt lúc này là phải trả voi nhà Đắk Lắk về môi trường sống tự nhiên để bảo tồn nguồn gen còn sót lại cùng với hy vọng voi nhà dần có thể hòa nhập được với đàn voi hoang dã.
Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, giải pháp tối ưu và khả thi nhất lúc này là can thiệp y tế bằng cách ghép gen voi đực Đắk Lắk với voi cái của các nước khác trong khu vực để tạo ra thế hệ tiếp nối cho giống voi nhà thuần chủng của Đắk Lắk nhằm tránh đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Ngọc Duy -
Việt Bảo