Đề xuất giải pháp để thích ứng với các kịch bản tăng trưởng

Chiều 6-7, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020. Trong đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thích ứng với các kịch bản tăng trưởng, để vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ về cơ chế

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp từ tăng trưởng âm 1,17% trong quý I, đã tăng trưởng 3,5% trong quý II. Thu ngân sách ước đạt 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại phiên thảo luận.

“Tuy nhiên, dự báo kinh tế từ nay đến cuối năm 2020 tiếp tục khó khăn do dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nhiều nước dẫn tới nền kinh tế chưa mở cửa mạnh mẽ với thế giới gây ảnh hưởng nhiều đến ngành kinh tế Thủ đô”, đồng chí Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước, thành phố xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020 tăng gấp 1,3 lần cả nước. Trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9%; kịch bản 2, tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4%.

Mở đầu phần phát biểu thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Vân Hoa (Tổ Tây Hồ) cho rằng, để phát huy mọi nguồn lực và quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, kiên quyết không để dịch Covid-19 quay lại xóa đi thành quả đã đạt được, thành phố cần duy trì, phát huy các lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp, giải quyết thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí...

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) nhấn mạnh, vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và thành phố Hà Nội đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, song số doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng các chính sách này trên thực tế còn thấp. Vì vậy, điều cộng đồng doanh nghiệp cần nhất là được hỗ trợ về cơ chế, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Ngoài ra, thành phố cần đánh giá lại quỹ đất “sạch” để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị, đồng thời đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để sớm có mặt bằng thu hút nhà đầu tư.

“Điều này đặt ra tinh thần trách nhiệm, sự công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức để tạo nên động lực tích cực”, đại biểu Phạm Đình Đoàn chia sẻ.

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ Cầu Giấy) đề xuất, thành phố cần khảo sát chất lượng dịch vụ công trực tuyến để tránh hiện trạng "nơi cung cấp nhanh đến ngỡ ngàng, nơi thì chậm đến ngỡ ngàng". Đại biểu Đỗ Thùy Dương đề nghị, thành phố cần kiên trì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức bật cho các giai đoạn tiếp sau.

Điều chỉnh quy hoạch ngành cho phù hợp

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoàng (Tổ Phú Xuyên) đề xuất, thành phố sớm nghiên cứu quy hoạch lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế cho phù hợp với hậu dịch Covid-19. Trong đó, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng giao thông ở 5 khu đô thị vệ tinh để tạo dư địa, động lực cho thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Đại biểu Nguyễn Minh Chung (Tổ Thanh Oai) cho rằng, đại dịch Covid-19 cùng các chính sách bảo hộ nội địa của các quốc gia lớn đã làm nổi lên vấn đề bảo toàn, phát huy nội lực của các nước, vì thế du lịch nội địa cần được coi trọng. Thành phố đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch Thủ đô, song thời gian tới cần quy hoạch lại ngành cho phù hợp, để 6 tháng tới có thay đổi mạnh mẽ.

“Thành phố nên có chính sách cụ thể để khai thác thế mạnh từ các sản vật, ẩm thực, làng nghề của thành phố… để kêu gọi đầu tư lĩnh vực du lịch được tốt hơn. Về chương trình kích cầu du lịch, cần có chương trình trọn gói 3 đêm, 5 đêm…, gồm cả tour ăn, uống, ngủ, nghỉ, để khai thác những thế mạnh về văn hóa, của ngon vật lạ của Hà Nội”, đại biểu Nguyễn Minh Chung nhấn mạnh.

Liên quan đến quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Dương Thị Hằng (Tổ Gia Lâm) đề xuất, thời gian tới, thành phố cần quan tâm chỉ đạo rà soát thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 30 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới; quan tâm các giải pháp đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao; tăng cường nguồn vốn đầu tư công xây dựng hạ tầng cho các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới...

Liên quan đến thực hiện quy hoạch, đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước trong năm 2020, ngoài sự chỉ đạo điều hành tập trung, khắc phục các khó khăn, thành phố cần duy trì trạng thái “phát triển bình thường mới”.

Theo đó, thành phố phải tiếp tục triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để phủ kín quy hoạch tới cấp xã, phường, thị trấn; xác định các đồ án quy hoạch trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2020, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư phát triển...

Tổng hợp ý kiến phiên thảo luận, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, những giải pháp các đại biểu đề xuất rất sát thực tiễn, góp phần làm cơ sở để UBND thành phố chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020.

Tuấn Việt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/971982/de-xuat-giai-phap-de-thich-ung-voi-cac-kich-ban-tang-truong