Đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với các nước ASEAN
Để giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới một cách hiệu quả, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm tăng cường hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế và áp dụng công nghệ thông tin.
Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Xét về mặt kinh tế, tiêu dùng là một khâu trong quá trình tái sản xuất, là mục đích và điều kiện tiên quyết của sản xuất. Bảo vệ người tiêu dùng thực chất là bảo vệ sản xuất, bảo đảm cho sản xuất phát triển hiệu quả và đúng hướng.
Xét về mặt xã hội, người tiêu dùng là tất cả chúng ta, là trung tâm của các mối quan hệ về sự phát triển bền vững, toàn diện, bảo đảm cho mọi người được sống hạnh phúc và lành mạnh.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng như quá trình quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra các vấn đề về giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới
Theo "Nghiên cứu đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với các nước ASEAN" của Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, một trong những hoạt động quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng là giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm giúp người tiêu dùng bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình khi phát hiện quyền lợi bị vi phạm.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ (công nghệ máy tính, internet, cách mạng công nghiệp 4.0…) và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số “digital economy” đang làm đổi thay căn bản hoạt động kinh doanh - tiêu dùng của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thị trường.
Bên cạnh đó, sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bùng nổ thương mại điện tử xuyên biên giới quốc gia dẫn tới sự gia tăng và tính chất phức tạp của các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam một cách hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện.

Hiện nay, việc giải quyết các tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới tại Việt Nam gặp khó khăn do thiếu vắng khung khổ pháp luật đặc thù để giải quyết loại tranh chấp này
Trước hết, việc thúc đẩy nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xây dựng cơ chế hợp tác song phương với các quốc gia ASEAN là vô cùng quan trọng. Ký kết các Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của các nước là một hình thức hợp tác hiệu quả. MOU sẽ tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, quy định các điều khoản hợp tác về giải quyết khiếu nại khi phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp của hai nước. Điều này giúp tăng cường sự tin tưởng và hợp tác giữa các bên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ hai, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy nghiên cứu, đàm phán và thực hiện các cam kết về bảo vệ người tiêu dùng trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương. FTA không chỉ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, mà còn là cơ sở để xây dựng các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả. Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA, đồng thời đang đàm phán và khởi động đàm phán 3 FTA khác. Đây là lợi thế lớn để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới về bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ ba,việc nghiên cứu và áp dụng các ứng dụng giải quyết tranh chấp xuyên biên giới theo mô hình Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) của các nước châu Âu là một giải pháp tiềm năng. Ứng dụng này cần đáp ứng các tiêu chí sau:
Tính dễ tiếp cận: Ứng dụng phải được xây dựng trên nền tảng công nghệ dễ sử dụng, tương thích với nhiều thiết bị khác nhau.
Tính đơn giản: Mẫu đơn khiếu nại cần được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, cho phép người tiêu dùng hoàn thành chỉ trong ba bước.
Tính tiện lợi: Ứng dụng cần cho phép người tiêu dùng hoàn thành tất cả các thủ tục khiếu nại trực tuyến, từ việc nộp đơn đến theo dõi tiến trình giải quyết.
Tính đa ngôn ngữ: Ứng dụng cần hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau, cho phép người tiêu dùng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để khiếu nại.
Việc áp dụng ứng dụng ODR sẽ giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp, đồng thời tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của quá trình giải quyết. Tuy nhiên, để triển khai thành công ứng dụng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Có thể thấy, để giải quyết tranh chấp tiêu dùng xuyên biên giới một cách hiệu quả, Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm tăng cường hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế và áp dụng công nghệ thông tin.
Giải quyết tranh chấp người tiêu dùng xuyên biên giới được hiểu là việc các cá nhân, tổ chức có liên quan hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và ra quyết định xử lí, hoặc hỗ trợ để giải quyết các tranh chấp liên quan đến quá trình mua và xử dụng hàng hóa, dịch vụ giữa người tiêu dùng và cá nhân tổ chức kinh doanh trong đó người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh là công dân của các quốc gia khác nhau.