Nhân sự ngành Nhà hàng - Khách sạn: Sự xen kẽ giữa hài lòng và thất vọng

Khảo sát gần đây của JobsGO - nền tảng tuyển dụng và tìm việc có tiếng tại Việt Nam - đã phác họa một bức tranh khá phức tạp về ngành Nhà hàng - Khách sạn.

Nhân sự loay hoay với bài toán lương, thưởng

Một trong những điểm sáng nổi bật của ngành Nhà hàng - Khách sạn đó là có tới 82% người lao động cảm thấy có quyền tự chủ, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình toàn ngành (62,2%). Con số ấn tượng này cho thấy nhân viên trong ngành Nhà hàng - Khách sạn được tin tưởng, trao quyền để tự mình đưa ra quyết định và triển khai công việc một cách linh hoạt. Nó không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, mà còn mang lại động lực lớn trong công việc của người lao động.

Nhà hàng - Khách sạn cũng ghi điểm với tỷ lệ hài lòng về môi trường văn hóa doanh nghiệp đạt tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các ngành khảo sát (50%). Đây là một kết quả đáng mừng, thể hiện các doanh nghiệp trong ngành đang không ngừng nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, cởi mở và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm và đáng lo ngại được phơi bày qua khảo sát đó là mức độ hài lòng về lương, thưởng. Tỷ lệ người lao động cảm thấy hài lòng với mức lương và phúc lợi hiện tại chỉ đạt 17,8%, thấp nhất trong tất cả các ngành được khảo sát.

Sự chênh lệch lớn giữa tỷ lệ hài lòng về văn hóa hay quyền tự chủ với sự thất vọng về lương, thưởng đã đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu những yếu tố tích cực về môi trường làm việc có đủ sức bù đắp cho sự thiếu hụt về mặt tài chính?

Lương, thưởng thấp, người lao động thiếu gắn kết

Theo kết quả khảo sát, lượng người lao động trong ngành có kế hoạch tìm việc mới trong năm 2025 cũng cao nhất (57,1%).Tỷ lệ này không chỉ thể hiện xu hướng thay đổi và tìm kiếm cơ hội tốt hơn mà còn đánh dấu sự tăng trưởng đáng kể so với kết quả khảo sát của JobsGO một năm trước đó (32,6%). Tỷ lệ nhân sự muốn nhảy sang ngành khác cũng cao (42,8%) cho thấy sự bế tắc về khả năng phát triển ở trong ngành.

Các chỉ số này thể hiện việc dù nhân viên có cảm thấy thoải mái và được trao quyền đến đâu, nếu mức lương không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống và không tương xứng với công sức bỏ ra thì sự gắn bó lâu dài là điều khó có thể xảy ra.

Hơn nữa, việc ngành Nhà hàng - Khách sạn có tỷ lệ cao (64,3%) người lao động sẵn sàng chuyển việc chỉ cần công việc mới có mức lương cao hơn từ 0 - 20% càng thể hiện rõ tầm quan trọng của yếu tố tài chính đối với sự hài lòng và gắn bó của nhân viên.

Năm 2025 tiếp tục có nhiều thách thức trong ngành

Không chỉ thất vọng với mức lương hiện tại, người lao động trong ngành Nhà hàng - Khách sạn còn bi quan về triển vọng thị trường việc làm trong tương lai. Theo khảo sát, có đến 3/4 người được hỏi dự đoán rằng việc tìm kiếm một công việc mới vào năm 2025 sẽ trở nên khó khăn hơn. Đây là ngành được lượng ứng viên đánh giá khó tìm việc nhất năm nay với tỷ lệ 75%, cao hơn so với khảo sát năm ngoái (71,8%).

Các vị trí tuyển dụng lễ tân, quản lý nhà hàng, quản lý buồng phòng,... cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn này, khi mà các yêu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn vững vàng.

Cũng theo dữ liệu khảo sát, văn hóa doanh nghiệp tích cực trở thành ưu tiên hàng đầu khi có tới 78,6% người tìm việc quan tâm ở công việc mới. Điều này cho thấy sự chuyển dịch trong quan niệm về giá trị công việc, khi người lao động không chỉ tìm kiếm thu nhập mà còn mong muốn được làm việc trong một môi trường văn hóa tốt.

Mức lương, thưởng và phúc lợi cạnh tranh cũng là yếu tố quan trọng, xếp thứ nhì với 75% ứng viên quan tâm. Ngoài ra, cơ hội học tập và phát triển chuyên môn cũng là một yếu tố được nhiều người lao động đề cao (68%), cho thấy nhu cầu không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành Nhà hàng/Khách sạn trong việc tuyển dụng nhân sự. Nếu không có những thay đổi mang tính chiến lược trong chính sách lương thưởng, đào tạo và phát triển nhân sự, nguy cơ “chảy máu chất xám” là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc mất đi những nhân viên giỏi không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, mà còn làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt.

Hà An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhan-su-nganh-nha-hang-khach-san-su-xen-ke-giua-hai-long-va-that-vong-ar927966.html