Đề xuất giải pháp hạ giá thành vé máy bay, góp phần hạ giá tour du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour du lịch.

Sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến giải pháp hạ giá thành vé máy bay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch… cho thấy, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40%, làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Tư lệnh ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua làm việc với các bộ, ngành cho thấy, giá vé máy bay tăng vì phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở trạm sân bay; chi phí về giá đầu vào nhiên liệu; số máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay không nhiều, đã ảnh hưởng đến giá vé máy bay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành khai thác tại các sân bay, góp phần hạ giá tour. Đối với các hãng hàng không, đề xuất các doanh nghiệp này cố gắng đảm bảo có máy bay, thiết kế tăng cường các chuyến bay đêm để đảm bảo nhu cầu đi lại cho Nhân dân nói chung, trong đó có du khách nói riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.

Với những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này, theo đó, từ 28/5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu hạ nhiệt.

 Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6.

Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6/6.

Về các giải pháp đảm bảo du lịch vùng miền núi ở Tây Nguyên nói riêng và khu vực nông thôn nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét nội dung này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp, trong đó, xác định gói sản phẩm du lịch ở lĩnh vực này là dựa trên tài nguyên văn hóa đặc sắc tiêu biểu để thiết kế. Trước mắt xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, phù hợp với tập quán, phù hợp với khả năng điều hành và đặc biệt là tính lan tỏa cộng đồng trong đoàn kết của đồng bào. Bộ trưởng nêu một số mô hình đã thành công như ở Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…

Bộ trưởng khẳng định, du lịch ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đi đúng hướng; có rất nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, tuy vậy, chúng ta cũng ta đang đứng trước một số bất cập và được các bộ, ngành nhìn nhận rõ liên quan đến quy hoạch, liên quan đến một số luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai… Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp; Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định về đất đa mục đích – đây là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khi thực hiện các mô hình này cần linh hoạt, không quá cứng nhắc, đảm bảo an ninh trật tự, cho phép khai thác chu kỳ các loại hình sản phẩm này.

Đối với chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến vai trò của công nghiệp văn hóa trong phát triển du lịch, Bộ trưởng khẳng định, Du lịch văn hóa là một trong các ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Qua tổng kết Quyết định 1755/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng. Thủ tướng đã kết luận và đưa ra quan điểm: tư duy phải sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển.

Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị, hiện đang lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào GDP; hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó, du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Thời gian tới tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp văn hóa, nếu không đào tạo thì sẽ không thành công.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-xuat-giai-phap-ha-gia-thanh-ve-may-bay-gop-phan-ha-gia-tour-du-lich-post298270.html