'Đề xuất giải pháp lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của huyện Lý Sơn'

Bà: PHẠM THỊ HƯƠNG

Sinh ngày: 3.2.1971

Dân tộc: Kinh

Quê quán: Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Nơi ở hiện nay: Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Trình độ chuyên môn: Đại học chuyên ngành Sử

Học hàm, học vị: Thạc sĩ Chính sách công

Lý luận chính trị: Cao cấp

Chức vụ hiện nay: Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn

Là đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là niềm vinh dự đối với bản thân tôi, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trước cử tri. Tôi nhận thức rằng, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Nếu được cử tri tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi tâm nguyện phấn đấu nhiều hơn nữa để thực hiện tròn nhiệm vụ đáp lại lòng tin, sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân. Tôi sẽ nỗ lực thực hiện chương trình hành động như sau:

Thứ nhất, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu tình hình trong nước và thế giới, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Tiếp tục học tập, rèn luyện không ngừng, nâng cao bản lĩnh chính trị và kiến thức chuyên môn, nhằm thực hiện nhiệm vụ đại biểu nhân dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND.

Thứ hai, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe ý kiến của cử tri, gắn bó sâu sát và thường xuyên với cử tri tỉnh Quảng Ngãi và cử tri đơn vị bầu cử. Thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, đời sống, giáo dục và đào tạo… đến HĐND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thứ ba, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm sao để huyện Lý Sơn phát triển một cách bền vững về kinh tế biển đảo gắn với du lịch và đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chúng ta cần lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của đảo Lý Sơn; đầu tư xây dựng nhưng không làm phá vỡ cảnh quan chung, không xâm hại vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên; giải quyết thách thức do thiếu hụt nguồn nước ngọt và áp lực bảo vệ môi trường; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện được các chương trình đề ra, tôi xin nêu những giải pháp cụ thể như sau:

- Cần phát triển du lịch, dịch vụ theo chiều sâu; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Quản lý tốt công tác quy hoạch và xây dựng, bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên của huyện Lý Sơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Trong quản lý tài nguyên, phải đặc biệt chú ý tài nguyên nước, đây là vấn đề sống còn của Lý Sơn trong tương lai. Do vậy, cần phải tuân thủ nghiêm túc thời vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến nghị người dân, du khách, các nhà hàng, khách sạn có ý thức tiết kiệm nước; các khách sạn lớn phải có phương án thu gom nước mưa, tái chế, lọc nước biển thành nước ngọt để phục vụ du khách. Trồng cây xanh quanh đảo để giữ cho môi trường xanh và cân bằng sinh thái. Ngành nông nghiệp quy hoạch và phát triển toàn diện theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao, bền vững về môi trường.

Phát triển kinh tế thủy sản là kinh tế mũi nhọn, tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách đang thực hiện còn những bất cập, để cập nhật, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tế, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cần chú trọng cải thiện cả vệ sinh môi trường, môi trường biển, cảnh quan môi trường; trong đó vệ sinh môi trường là vấn đề trực tiếp nhất.

- Phát huy giá trị văn hóa, con người Lý Sơn; bảo đảm phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế. Huyện Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, con người nơi đây có truyền thống yêu nước nồng nàn, dù khó khăn đến mấy vẫn luôn kiên cường bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Huyện đảo muốn phát triển bền vững, giàu mạnh thì các giá trị văn hóa cao đẹp của con người Lý Sơn cần phải được tiếp tục phát huy một cách sâu sắc nhất…

- Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế; kinh tế với quốc phòng, an ninh. Huyện Lý Sơn được xem là lá chắn, phên dậu vững chắc trên biển Đông để bảo vệ khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững quốc phòng, an ninh trên đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc phải được Đảng bộ, quân và dân trên đảo xem là nhiệm vụ hàng đầu./.

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/4781/202105/de-xuat-giai-phap-lua-chon-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-phu-hop-voi-dac-thu-cua-huyen-ly-son-3057166/