Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo
Sáng 10-10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Thanh Hóa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trường Đại học Hồng Đức tổ chức Diễn đàn khoa học với chủ đề: 'Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030'.
Theo báo đề dẫn tại diễn đàn, trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến XIX, ở các khía cạnh và mức đội khác nhau, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều được xác định là một trong các chương trình trọng tâm và khâu đột phá.
Tỉnh đã sắp xếp, củng cố các cơ sở giáo dục đại học và thành lập mới một số trường đại học, phân viện đại học và các trường cao đẳng nghề. Nhờ đó, quy mô, ngành nghề và hình thức đào tạo ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa. Quy mô đào tạo được tăng mạnh, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để đảm bảo thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh các giai đoạn vừa qua đã đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Lực lượng lao động lành nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn như hóa dầu, nhiệt điện, công nghệ thông tin, chế biến chế tạo, tự động hóa...
Năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội còn hạn chế; chưa có sự bứt phá trong việc đề xuất, tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN có tầm chiến lược...
Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày tham luận về một số vấn đề liên quan đến đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo như: Giải pháp phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa và vùng Bắc Trung bộ; thực trạng và giải pháp tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo giữa trường Đại học Hồng Đức với các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030; thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng thông tin KH&CN, sàn giao dịch công nghệ, thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030; đề xuất định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030...
Các đại biểu cũng đã thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các ngành, các lĩnh vực khác nhau và làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của tỉnh; xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh...