Đề xuất giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hướng tới Net Zero
Thực hiện nông nghiệp 'Net Zero' giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm.
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững không chỉ bao gồm sản xuất, mà còn mở rộng từ khâu chế biến, bảo quản, đến tiêu thụ sản phẩm. Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 thì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân là yếu tố then chốt.
Cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và lần thứ 28 (COP28), cùng với các định hướng chiến lược và chính sách giảm phát thải đã thúc đẩy các ngành kinh tế phải chuyên đổi theo hướng xanh và bền vững. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Theo bà Huỳnh Kim Định, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kết hợp với cơ chế tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là các yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Với các ý kiến chia sẻ về chuyên môn, đề xuất các giải pháp thiết thực từ các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân có kinh nghiệm và cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần tăng tốc sớm đạt được mục tiêu Net Zero trong phát triển nông nghiệp bền vững.